Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Đông cho rằng, thị trường sáu tháng qua tương đối ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá. Đặc biệt, với sự tham gia của hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op, các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn phong phú, đa dạng; sản lượng hàng hóa của từng nhóm mặt hàng chiếm khoảng 25 - 40% nhu cầu thị trường và tăng bình quân 15 - 35% so năm 2017.
Theo Sở, từ một siêu thị đầu tiên là Co.opmart Cống Quỳnh năm 1996, đã xóa đi tâm lý trong người tiêu dùng và CBCNV Saigon Co.op “Hợp tác xã là xập xệ, trì trệ, nhỏ lẻ”; giúp Saigon Co.op thêm tự tin sẽ thành công trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại. Hiện, mạng lưới Co.opmart đạt con số gần 100 siêu thị trên khắp cả nước.
Đến năm 2008, Saigon Co.op tiếp tục cho ra đời chuỗi Cửa hàng thực phẩm an toàn - tiện lợi Co.op Food nhằm mở rộng mạng lưới phân phối, thể hiện nỗ lực “luôn thỏa mãn khách hàng và hướng đến sự hoàn hảo” của Saigon Co.op, đồng thời thực thi chiến lược đa dạng hóa mô hình bán lẻ, tăng thị phần, mang lại tiện ích mới cho người tiêu dùng.
Đây là giải pháp cung cấp thực phẩm an toàn, tươi ngon, tiện lợi mang phong cách dịch vụ hiện đại, phục vụ nhu cầu của người nội trợ bận rộn nhưng muốn mua hàng hóa thuộc Chương trình Bình ổn giá gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiện, chuỗi Cửa hàng Co.op Food đã có khoảng 190 cửa hàng phủ khắp các khu dân cư đông đúc.
Năm 2013, Saigon Co.op và Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore) công bố mô hình kinh doanh đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn; liên doanh có vốn điều lệ 6 triệu USD, trong đó cơ cấu vốn của Saigon Co.op 64%. Liên doanh đầu tư và vận hành hai chuỗi đại siêu thị với thương hiệu Co.opXtra và đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn với thương hiệu Co.opXtraPlus trên phạm vi cả nước. Co.opXtra và Co.opXtraPlus hoạt động dựa trên 3 tiêu chí: “đa dạng, tiết kiệm và thú vị”, đang cung cấp khoảng 50.000 mặt hàng, với diện tích bán hàng lên đến hàng chục ngàn mét vuông cùng nhiều loại hình dịch vụ hỗ trợ.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 2 đại siêu thị là Co.opXtra Tân Phong tại quận 7 và Co.opXtra Thủ Đức tại quận Thủ Đức.
Và đến năm 2014, Saigon Co.op lại có thêm mô hình kinh doanh mới: Trung tâm thương mại Sense City nhằm đa dạng hóa các loại hình kinh doanh bán lẻ của đơn vị và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường. Đó là Sense City tại TP Cần Thơ với quy mô diện tích hơn 22.000m2 và Sense City tại TP Bến Tre có diện tích sử dụng hơn 15.000m2 được tích hợp hầu hết các dịch vụ mua sắm, ẩm thực, giải trí hiện đại.
Ngoài ra, mô hình Trung tâm thương mại khác là SC VivoCity đã khai trương từ năm 2015 cũng thu hút bình quân 700.000 khách/tháng. Bên cạnh đó, các mô hình trung tâm mua sắm, bán lẻ hay chuỗi cửa hàng tiện lợi Co.op Smile, Cheers (liên doanh Singapore), Sense Market… của Saigon Co.op cũng góp phần duy trì được sự cân bằng giữa chiến lược tiêu chuẩn hóa và chiến lược thích nghi theo nhu cầu khách hàng; góp phần đưa doanh thu bán lẻ hàng hóa luôn vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2017, Saigon Co.op đạt tổng doanh số gần 30.000 tỷ đồng, Co.opXtra tăng trưởng xuất khẩu 30%, phát triển thành công thêm 130 điểm bán lẻ hàng hóa mới. Saigon Co.op định hướng năm 2018: Tổng doanh số tăng 10%; Phát triển mạng lưới và xây dựng mô hình kinh doanh mới: 19 Co.opmart, hai Co.opXtra, 170 Co.op Food, 150 cửa hàng Co.opSmile, 50 cửa hàng tiện lợi Cheers... |