Golf sẽ phát triển rực rỡ sau Olympic Paris?

NDO - Mỗi kỳ Thế vận hội luôn mang đến cho các khán giả vô vàn bất ngờ, từ những cuộc lội ngược dòng, những màn phá kỷ lục, cho tới tinh thần chiến đấu không biết mệt mỏi của các vận động viên. Điều tương tự cũng xảy ra với những người yêu thích bộ môn golf ở kỳ Olympic này.
0:00 / 0:00
0:00
Golfer người Mỹ Scott Scheffler giành huy chương vàng trong tiếng reo hò của người hâm mộ. (Ảnh: Getty)
Golfer người Mỹ Scott Scheffler giành huy chương vàng trong tiếng reo hò của người hâm mộ. (Ảnh: Getty)

Sức hút không ngờ

“Thật không thể tin được”, vận động viên golf người Ireland Rory McIlroy đã không thể kìm lòng thốt lên trước ống kính truyền hình như vậy. Chẳng ai có thể ngờ, cuộc thi golf nam Olympic lại thu hút được lượng khán giả khổng lồ đến vậy.

Với những người gắn bó thể thao này nhiều năm, các vận động viên chuyên nghiệp chưa bao giờ ngạc nhiên trước bầu không khí ảm đạm của bộ môn này tại Thế vận hội. Điều này từng xảy ra ở hai kỳ Olympic gần nhất tại Rio de Janeiro (Brazil) và Tokyo (Nhật Bản). Và hoàn cảnh tương tự nhiều khả năng sẽ xảy ra, nhất là khi các cuộc thi đấu diễn ra chỉ hai tuần sau The Open Championship - Giải golf lâu đời nhất thế giới.

Các phóng viên đã ghi được hình ảnh những vận động viên golf thong dong dạo bước trên sân đấu Le Golf National - nơi từng tổ chức Ryder Cup 2018 để luyện tập. Chẳng có bất kỳ sự căng thẳng nào hiện hữu. Đây vẫn là giải đấu bốn vòng với 72 lỗ. Và có chăng sự khác biệt nằm ở trang phục - những bộ quần áo thi đấu Olympic chính thức của các quốc gia.

Tuy nhiên, tất cả đã nhầm. Ước tính có hơn 30 nghìn khán giả đã có mặt tại Le Golf National để chiêm ngưỡng các golfer thi đấu. Ở bất kỳ cổng vào nào, người hâm mộ luôn đứng chật kín và xếp thành hàng dài.

Golf sẽ phát triển rực rỡ sau Olympic Paris? ảnh 1
Hơn 30 nghìn khán giả phủ kín Le Golf National. (Ảnh: Getty)

Jason Day, người sở hữu thành tích 13 lần chiến thắng PGA Tour, khẳng định anh đã nghe thấy tiếng hò reo của đám đông từ bãi tập gạt bóng. Đó là sự khác biệt quá lớn so những kỳ Olympic trước đây. Bất chợt, cú đánh mở màn trở thành khoảnh khắc căng thẳng nhất trong sự nghiệp.

Golfer người Australia Min Woo Lee nói rằng anh đã phải cố gắng giữ bình tĩnh ở tee đầu tiên. "Tôi thậm chí đã bị nghẹn và cảm thấy chút cay cay trên khóe mắt. Tôi không ngờ rằng cơ thể mình đã phản ứng như vậy".

Rõ ràng, những cảm xúc đó - ý nghĩa của việc đại diện cho đất nước, về việc trở thành một phần của Olympic Paris 2024 đã trở nên chân thật trong mỗi vận động viên. Đã lâu rồi các golfer mới có cảm giác tự hào như bộ môn trở thành một "mảnh ghép" đích thực của một kỳ Olympic.

Song, khi được hỏi mọi người có tin rằng điều kỳ lạ này sẽ tiếp diễn ở những kỳ Thế vận hội tiếp theo hay không? Chẳng ai dám chắc về điều này.

Số phận éo le của golf

Tính đến Olympic Paris 2024, tức kỳ Thế vận hội thứ 33, bộ môn golf chỉ xuất hiện năm lần. Tình cờ ở chỗ, lần đầu golf ra mắt Olympic cũng diễn ra ở Paris vào năm 1900. Song, bộ môn này chỉ được xem như phần thi biểu diễn và không được trao huy chương. Vận động viên nữ Margaret Abbott giành chức vô địch được trao tặng phần thưởng là chiếc bát sứ Saxon cổ mạ vàng.

Sau bốn năm, golf có lần thứ 2 xuất hiện trong danh sách các môn thi đấu Olympic. Thế nhưng, bộ môn này đã bị loại khỏi Thế vận hội 1908 chỉ hai ngày trước lễ khai mạc. Ròng rã những lần nâng lên đặt xuống, thậm chí nhiều thời điểm golf đã được "bật đèn xanh" nhưng không có đủ vận động viên tranh tài. Tháng 10/2009, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) mới thông qua quyết định golf sẽ nằm trong chương trình Olympic Rio 2016. Golf đã tái xuất ở Rio, Tokyo và giờ đây là kỳ Olympic Paris 2024.

Golf sẽ phát triển rực rỡ sau Olympic Paris? ảnh 2
Golf mới trở lại Thế vận hội trong ba kỳ giải gần đây. (Ảnh: Getty)

Các golfer chuyên nghiệp muốn tham dự Olympic phải căn cứ vào Bảng xếp hạng Golf Thế giới (Official World Golf Ranking) dành cho nam và Bảng xếp hạng Rolex (Rolex Women’s Rankings) dành cho nữ. Để bảo đảm bộ môn có nhiều quốc gia tranh tài, IOC quy định mỗi quốc gia chỉ có tối đa bốn golfer (trong trường hợp cả bốn đều thuộc top 15). Nếu không, chỉ có hai golfer xếp hạng cao nhất ở quốc gia mình giành quyền tham dự. Điều này tạo nên thách thức khiến nhiều kỳ Olympic không đủ vận động viên tranh tài.

Quan trọng hơn cả, giống như bóng đá, giải đấu Olympic chưa bao giờ được xem trọng ngang hàng bốn giải đấu danh giá trong năm như The Open Championship, US Open, The Masters và PGA Championship.

Tiger Woods từng nhận định rằng các vận động viên golf chuyên nghiệp mong muốn chinh phục chiếc áo xanh (phần thưởng của The Masters) hoặc bình rượu Claret Jug (Cúp The Open Championships) hơn là tấm huy chương Olympic.

Bước ngoặt tại Olympic Paris

Không ai dám chắc cuộc thi golf ở một kỳ Olympic sẽ thay đổi thế nào vào bốn năm sau. Sau ba lần tái xuất Thế vận hội, câu hỏi này thường xuyên được nhắc đi nhắc lại. Nhưng mọi chuyện có thể sẽ thay đổi sau kỳ giải này.

Chứng kiến tiếng reo hò của đông đảo khán giả, những người yêu mến golf đang nhen nhóm những kỳ vọng khi kỳ Olympic tới sẽ diễn ra ở Los Angeles vào năm 2028. Sự kiện diễn ra ở Mỹ hứa hẹn một sự bùng nổ hơn nữa, gấp nhiều lần những gì xảy ra tại châu Âu.

Không những vậy, mới đây, Giám đốc điều hành của Liên đoàn Golf Quốc tế Antony Scanlon đã lên tiếng xác nhận kế hoạch tổ chức sự kiện đồng đội hỗn hợp 36 lỗ (gồm cả vòng đánh luân phiên và vòng best-ball) bên cạnh các sự kiện đấu gậy cá nhân 72 lỗ dành cho nam và nữ. IOC cũng đang nghiêm túc xem xét đề xuất này.

Năm 2016, golfer người Ireland Rory McIlroy đã khẳng định phần lớn vận động viên đều mong chờ nội dung đồng đội hỗn hợp, khi bộ môn này trở lại sau 112 năm vắng bóng. Điều này chắc chắn sẽ tạo nên sức hút khác biệt, nâng tầm ý nghĩa của việc đại diện cho đất nước tham dự đấu trường thể thao lớn nhất thế giới.

Golf sẽ phát triển rực rỡ sau Olympic Paris? ảnh 3
Rory McIlroy bước đi trong tiếng reo hò của hàng chục nghìn người hâm mộ tại Paris. (Ảnh: Getty)

“Nếu điều đó thành hiện thực ở Los Angeles, tôi và đồng đội Leona Maguire hay các golfer đến từ nước khác (như Scottie Scheffler của Mỹ, Jin Young Ko của Hàn Quốc hay Charley Hull của Anh...) chắc chắn sẽ đón nhận một cách nồng nhiệt, nếu chúng tôi đủ điều kiện. Tôi nghĩ đó sẽ là nội dung tuyệt vời để đưa vào cuộc thi này”, McIlroy nói.

Đấu gậy 72 lỗ chắc chắn sẽ không bao giờ bị loại bỏ hoàn toàn, vì nó được coi là thước đo tiêu chuẩn để xác định golfer giỏi nhất. Việc tổ chức thêm nội dung mới được xem như khởi đầu để cải thiện vị trí của golf trong danh sách các môn thi đấu tại Thế vận hội. Nhưng liệu điều đó có đủ để giúp bộ môn này được quan tâm nhiều hơn ở mỗi kỳ Olympic hay không?

Golf đang thể hiện sự cuốn hút của mình tại sân chơi lớn nhất hành tinh. 14 quốc gia có vận động viên nằm trong top 40 của Bảng xếp hạng golf thế giới. Bộ môn này đang đứng trước cơ hội để trao hơn nhiều bộ huy chương cho các vận động viên thay vì con số 3 như bây giờ.

Olympic Paris 2024 sẽ tranh tài 329 nội dung ở 32 môn thể thao. Tổng cộng có 987 huy chương sẽ được trao. Golf bây giờ chiểm chiếm 0,61% trong số đó. Bộ môn này đang đứng ngoài cuộc chơi của Thế vận hội - sự kiện được khán giả trên toàn thế giới công nhận nhiều hơn bất kỳ giải đấu golf nào mang lại.

Golf sẽ phát triển rực rỡ sau Olympic Paris? ảnh 4
Sức nóng của golf tại Olympic Paris mở ra cơ hội phát triển cho bộ môn này. (Ảnh: Getty)

Thực tế, chỉ có bóng đá - bộ môn thể thao "vua" là sự kiện duy nhất tạo nên sự khác biệt. Không nhiều người biết đến PGA Tour hay The Open Championship là gì, còn gần như tất cả mọi người đều biết tới đấu trường Olympic. Chính bản thân các golfer cũng hiểu được điều này.

Bước tới đấu trường Olympic, golfer người Pháp Victor Perez lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác được đứng trong căn phòng với những anh tài hàng đầu thế giới của nước mình.

“Tôi nghĩ thật tuyệt khi được ở cùng phòng với vận động viên ném lao 70m, kình ngư bơi 100m trong 45 giây hay vận động viên khác với tài năng cưỡi ngựa. Họ đều là những cá nhân xuất chúng, những người đã làm nên những thành tích phi thường. Thế vận hội vẫn luôn vĩ đại đến vậy còn bộ môn golf lại bé nhỏ đến ngạc nhiên”, Perez chia sẻ.