Góc nhìn đa chiều về nhà ở các dân tộc qua công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Tụng

NDO - Tọa đàm khoa học với chủ đề “Văn hóa tộc người từ góc nhìn về nhà ở” không chỉ giới thiệu công trình nghiên cứu công phu “Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam” của PGS, TS Nguyễn Khắc Tụng, mà còn là dịp để các đồng nghiệp, học trò của ông chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống và sự nghiệp của nhà nghiên cứu.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà của người Tày ở Bản Liền, Bắc Hà, Lào Cai.
Nhà của người Tày ở Bản Liền, Bắc Hà, Lào Cai.

Tọa đàm có sự tham gia của GS, TS KTS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Phó GS, TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với vai trò các diễn giả, PGS, TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Dân tộc học và Nhân học Việt Nam trong vai trò điều phối chương trình.

"Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam” của PGS, TS Nguyễn Khắc Tụng, do MaiHaBooks liên kết cùng Nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản (trên cơ sở gộp bản in của tập I năm 1994 và tập II năm 1995).

Trong đời sống văn hóa của các dân tộc Việt Nam hay bất kỳ một dân tộc nào trên thế giới, vấn đề “Mặt bằng sinh hoạt” vẫn luôn là một chủ đề phức tạp nhưng đầy thú vị và được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu. Đề tài cũng chính là kết quả nghiên cứu cả đời của PGS, TS Nguyễn Khắc Tụng khi ông dốc trọn tâm huyết khảo cứu về nhà ở truyền thống của các tộc người ở Việt Nam.

Góc nhìn đa chiều về nhà ở các dân tộc qua công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Tụng ảnh 1

Buổi tọa đàm tại Trường đại học Văn hóa Hà Nội.

Những sự vật, hiện tượng hay cụ thể là nhà ở khi trải qua thời gian đều sẽ có sự biến đổi, và những điều biến đổi ấy đều sẽ dần trở nên “hiện đại”, để lại những nét xưa cũ với tên gọi là “truyền thống”. Tuy nhiên, để giữ được bản sắc dân tộc, để hiểu hơn về tinh hoa của thời đại, những người làm kiến trúc cần hiểu biết sâu sắc về những điều “truyền thống” ấy, để rồi kết hợp với “hiện đại”, nhằm tạo ra những công trình thật đặc biệt và mang tính lưu giữ văn hóa cao. Đây cũng là điều PGS, TS Nguyễn Khắc Tụng mong muốn khi viết nên cuốn sách này.

Trong bối cảnh những năm 1978 khi tư liệu còn ít, chưa có độ chuyên sâu, chủ yếu vẫn còn là hình ảnh hoặc bài đăng ngắn trên các sách báo, tạp chí, tác giả đã “lấp đầy” bằng những kiến thức chuyên sâu hơn, chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn qua quá trình thực địa và phân loại của mình. Nhờ đó, cuốn sách đã khái quát thành công những đặc điểm cũng như giá trị của nhà ở cổ truyền của các dân tộc Việt Nam.

Theo PGS, TS Vương Xuân Tình (nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học) chia sẻ, cuốn sách: “Không chỉ có giá trị về nghiên cứu văn hóa tộc người, mà còn gợi mở một hướng nghiên cứu liên ngành để phục vụ kiến trúc và xây dựng nhà ở các các dân tộc Việt Nam hiện nay”.

Góc nhìn đa chiều về nhà ở các dân tộc qua công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Tụng ảnh 2

Căn nhà truyền thống kết hợp với hiện đại làm homestay của người Mông ở bản Tà Số (Mộc Châu, Sơn La)

Nhà ở cổ truyền của các dân tộc tại Việt Nam có những đặc điểm gì, từ người Hmông trên đỉnh núi cao bốn mùa mây phủ, người Sán Dìu trên đất trung du sỏi đá, người Thượng trên cao nguyên đất đỏ lồng lộng gió ngàn, cho đến người Việt, người Khơ-me trên những cánh đồng châu thổ thẳng cánh cò bay… Tất cả đều có trong ấn phẩm “Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam” của PGS, TS Nguyễn Khắc Tụng, do MaiHaBooks liên kết cùng Nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản (trên cơ sở gộp bản in của tập I năm 1994 và tập II năm 1995).

PGS, TS Lâm Bá Nam cho biết, PGS, TS Nguyễn Khắc Tụng là một trong những thế hệ đầu tiên của các nhà nghiên cứu dân tộc học ở Việt Nam, học với các giáo sư nước ngoài. Vấn đề nhà ở của các tộc người được PGS để tâm nghiên cứu trong hành trình nghiên cứu về các tộc người ở phía bắc của ông. PGS, TS Lâm Bá Nam đánh giá đây là công trình có đóng góp quan trọng nhất, mang tính hệ thống nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Tụng. Ông là một trong những nhà khoa học sớm nhìn ra tính liên ngành của khoa học. Ông nhìn nhận một cách hệ thống nhất, mang tính liên ngành nhất về hệ thống nhà cửa nói chung và về các tộc người ở Việt Nam nói riêng.

PGS, TS Vương Xuân Tình là một trong những học trò thế hệ sau của PGS, TS Nguyễn Khắc Tụng. Ông cho biết, nhà dân tộc Nguyễn Khắc Tụng là người khai mở về lĩnh vực nhà ở các dân tộc, và đã tạo một nền tảng cơ bản về lĩnh vực này với những quan điểm nghiên cứu rõ ràng.

Bây giờ các ngôi nhà truyền thống của các dân tộc mất đi rất nhiều. Muốn phục dựng, bảo tồn, lấy đâu ra cơ sở nếu không dựa vào các nghiên cứu, tri thức về mặt kỹ thuật dân gian trong nghiên cứu về nhà ở của ông”.

PGS, TS Vương Xuân Tình

Trong nghiên cứu, PGS, TS Nguyễn Khắc Tụng cũng quan tâm đến vấn đề xã hội của nhà ở. Ông nghiên cứu nhà ở của người Việt ở nhiều góc độ: lịch sử, kiến trúc, xã hội… Ông đưa ra thuật ngữ nghiên cứu là “mặt bằng sinh hoạt”, và lấy đây làm tiêu chí trong nghiên cứu, phân loại các loại hình nhà ở. PGS, TS Nguyễn Khắc Tụng còn nghiên cứu và tìm ra 26 loại vì kèo khác nhau trong nhà ở của người Việt ở các vùng, cùng với các phân loại về mái nhà, tường vách…

Góc nhìn đa chiều về nhà ở các dân tộc qua công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Tụng ảnh 3

Nhà du lịch cộng đồng của người Thái ở bản Vặt. (Mộc Châu, Sơn La).

Chia sẻ về công trình nghiên cứu của PGS, TS Nguyễn Khắc Tụng, PGS, TS Vương Xuân Tình cho biết, tác giả đã có những phát hiện khá thú vị, như “nhà trâu” của nhóm Cao Lan có kết cấu vì kèo và một số mặt bằng sinh hoạt, một số bộ phận trong nhà mang hình dáng bộ phận thân thể con trâu. Hay nhà “thang yơ” (nhà phong tục) của người Chăm ở Nam Trung Bộ được ví như người phụ nữ, với các bộ phận của ngôi nhà tương ứng với một bộ phận nào đó trên cơ thể. Đây là dấu vết còn lại của chế độ mẫu hệ.

GS Doãn Minh Khôi chia sẻ, trong công trình nghiên cứu của mình, PGS, TS Nguyễn Khắc Tụng quan tâm và thu thập nhiều kiến thức dân gian bản địa của các dân tộc trong xây dựng nhà cửa. Thí dụ làm nhà hướng nào, vật liệu nào, mái kiểu nào để mát mẻ vào mùa hè, ấm áp về mùa đông nhưng vẫn phù hợp với điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng… Tại sao lại “mía sau cau trước”, nhà còn phải có sân, vườn, cây…, những tri thức sau này trở thành lĩnh vực quy hoạch không gian nhà ở.

Góc nhìn đa chiều về nhà ở các dân tộc qua công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Tụng ảnh 4

Nhà rông Tây Nguyên trong khuôn viên Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

GS Doãn Minh Khôi cũng cho biết, nhà dân tộc học Nguyễn Khắc Thụ thu thập một cách có hệ thống những tri thức về kỹ thuật dựng nhà, dựng mái, dựng vì kèo… của các dân tộc, dựa trên góc độ nghiên cứu của kiến trúc, dân tộc học và nhân học. Ngoài ra, ông cũng quan tâm đến cách các cộng đồng dân tộc quy hoạch không gian sống của mình, phân định rõ ràng không gian ở, mà ngày nay liên quan đến khoa học quy hoạch.

PGS, TS Nguyễn Khắc Tụng là người đầu tiên kết nối giữa kiến trúc và dân tộc học.

GS Doãn Minh Khôi

GS Doãn Minh Khôi chia sẻ rằng, nhiều kiến thức của tác giả trong cuốn sách liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu ngày nay, như kiến trúc môi trường, hình thái nhà ở, quy hoạch không gian, nội thất… Trong đó, nhiều lĩnh vực cũng chính là các môn học hiện tại ở Trường đại học Kiến trúc, nhưng các giáo trình, tài liệu cũng không bao quát hết được, cho nên các tri thức này trong công trình nghiên cứu có giá trị rất cao đối với các thế hệ sau này.

PGS, TS Phạm Minh Phúc, Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học Xã hội chia sẻ, bản thân ông cũng đã tham khảo được nhiều thông tin, tri thức giá trị, cũng như các phương pháp nghiên cứu hiệu quả trong tác phẩm của PGS, TS Nguyễn Khắc Tụng khi nghiên cứu về nhà ở của người Dao Áo dài.

Góc nhìn đa chiều về nhà ở các dân tộc qua công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Tụng ảnh 5

Nhà sàn của người Mường tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Một điểm đặc biệt của bộ sách, là bìa minh họa do một họa sĩ còn rất trẻ thực hiện. Họa sĩ Đặng Việt Phương, người thiết kế bìa sách cho biết, ban đầu cô định chọn hình ảnh ngôi nhà vách đất với phong cách quen thuộc phổ biến của làng quê Việt Nam. Tuy nhiên, cô nhận ra rằng, hình ảnh bìa thân thuộc với mọi người, nhưng thân thuộc quá thì sẽ nhàm chán trong khi cuốn sách của cụ Nguyễn Khắc Tụng rất hấp dẫn, nếu bìa nhàm chán sẽ khiến bạn đọc khó tiếp cận.

Vì thế, nữ họa sĩ lựa chọn nhiều hình ảnh nhà ở truyền thống đa dạng ẩn trong các viên gạch, nổi bật trên nền đen. “Tôi thấy thiết kế bìa này phù hợp với những gì cụ muốn truyền tải cho thế hệ sau. Thay đổi cách thiết kế bìa cũng là cách để thế hệ trẻ tiếp cận những tác phẩm như thế này dễ dàng hơn” - Nguyễn Việt Phương chia sẻ.