Nghiên cứu do Vụ Phát triển bền vững khu vực Đông Á của Ngân hàng Thế giới tiến hành với sự cộng tác của Viện Dân tộc, thuộc Uỷ ban Dân tộc, nhằm tìm hiểu nguyên nhân tỷ lệ nghèo còn cao trong nhóm dân tộc thiểu số (DTTS).
Phát biểu tại hội thảo công bố báo cáo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết, Đảng và Nhà nước luôn coi việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược và lâu dài. Trong ba năm qua, ngân sách trung ương đã đầu tư 7.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương đầu tư hơn 200 tỷ đồng để thực hiện các mục tiêu của chương trình 135 giai đoạn 2. Ngân sách trung ương cũng hỗ trợ cho các địa phương hơn 4.500 tỷ đồng để thực hiện quyết định 134 về hỗ trợ nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS. Chính phủ cũng đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho chương trình xoá đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo bà Nina Bhatt, chuyên gia phát triển xã hội của Ngân hàng Thế giới, đây là một phân tích xã hội quốc gia tập trung vào vấn đề dân tộc và phát triển ở Việt Nam triển khai từ năm 2006. Nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu thực địa về nhân học, kết hợp với điều tra hộ gia đình tại ba tỉnh miền núi (Hà Giang, Quảng Trị, Đác Lắc) với sự tham gia của hơn 2.000 người của nhiều cộng đồng DTTS.
Báo cáo cho thấy có sáu nguyên nhân chính lý giải vì sao cộng đồng các DTTS vẫn ở trong tình trạng nghèo hơn các cộng đồng khác. Đó là trình độ giáo dục thấp hơn, tính di chuyển kém hơn, ít tiếp cận các dịch vụ tài chính hơn, ít đất sản xuất hơn, tiếp cận thị trường thấp hơn, lối suy nghĩ rập khuôn cũng như các rào cản văn hoá khác. Thông qua các nguyên nhân bất lợi này, các chuyên gia cũng nêu ra ba xu hướng rất rõ ràng về sự khác biệt trong tài sản, năng lực và tiếng nói của cộng đồng DTTS.
Từ đó, báo cáo đề cập tới các khuyến nghị có thể giúp xây dựng một xã hội hoà nhập hơn nữa cho đồng bào DTTS ở Việt Nam. Sáu ưu tiên chính sách được đề ra là cải thiện thông tin về người DTTS, bình đẳng sân chơi, thấu hiểu những khác biệt về văn hoá, tăng cường hội nhập văn hoá, hỗ trợ tiếng nói dân tộc và đối thoại cởi mở về những phương pháp tiếp cận mới.
* Việt Nam hiện có 53 dân tộc thiểu số bên cạnh người Kinh. DTTS đông nhất là người Tày với gần 1,5 triệu người, trong khi nhóm người nhỏ nhất (Ơ Đu) chỉ có 300 người. ¾ số người DTTS ở Việt Nam sống ở hai vùng miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Hầu hết các cộng đồng DTTS sống ở nông thôn. Một số dân tộc như Tày, Mường có mức thu nhập hộ gia đình và giáo dục tương đương với người Kinh, trong khi ở một số nhóm dân tộc khác thì còn có khoảng cách xa. |