Gỡ vướng thủ tục xây dựng Trạm Y tế xã đảo Thạnh An

Thạnh An là xã đảo duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 13.131 ha, cách trung tâm huyện Cần Giờ 9 km đường biển và tiếp giáp các tỉnh Ðồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Xã có 5.578 dân, với 1.200 hộ. Ðối với người dân trên đảo, thứ họ sợ không phải là thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu về vật chất mà là chẳng may bị bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
Trường trung học cơ sở Thạnh An (cũ) là địa điểm được đề xuất xây dựng trạm y tế mới, nhưng đến nay chưa thể khởi động.
Trường trung học cơ sở Thạnh An (cũ) là địa điểm được đề xuất xây dựng trạm y tế mới, nhưng đến nay chưa thể khởi động.

Năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương xây mới Trạm y tế xã đảo Thạnh An. Năm 2022 đã có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nhưng đến nay dự án vẫn đang nằm trên giấy.

Ước muốn và thực tế

Ngày 20/8/2022, phát biểu chỉ đạo tại buổi thăm và làm việc với Huyện ủy Cần Giờ và Ðảng ủy xã đảo Thạnh An, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: "Không để người dân xã đảo bị thua thiệt, phải bảo đảm công bằng về mức sống, nhất là để người dân xã đảo thật sự thấy mình là công dân của Thành phố Hồ Chí Minh". Thành phố đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư cho y tế Cần Giờ trong nhiều năm qua, nhưng thực tế người dân Cần Giờ vẫn còn nhiều thiệt thòi hơn so với các quận nội thành, nhất là năng lực của hệ thống y tế xã đảo Thạnh An.

Ngành y tế thành phố đã đặt ra bốn giải pháp trước mắt và lâu dài triển khai để người dân xã đảo Thạnh An được chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn. Ba trong bốn giải pháp đã thực hiện được. Tuy nhiên giải pháp: Ðầu tư xây mới Trạm Y tế xã đảo Thạnh An đạt chuẩn và phù hợp điều kiện xã đảo, có các trang thiết bị cần thiết cho công tác cấp cứu và xử trí cấp cứu ban đầu, kể cả ngoại khoa; trong đó có khu nhà công vụ cho nhân viên y tế luân phiên tăng cường cho xã đảo thì vẫn đang "nằm trên giấy".

Cần phối hợp gỡ vướng thủ tục

Theo phóng viên tìm hiểu, năm 2018, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố sau cuộc họp bàn chủ trương thực hiện các dự án phát triển Thạnh An nêu dự án xây mới Trạm Y tế thuộc "danh mục cho phép đầu tư". Dự án xây mới Trạm Y tế xã Thạnh An được Ủy ban nhân dân thành phố giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư năm 2022; tháng 10/2022, Giám đốc Sở Y tế có công văn thống nhất chọn địa điểm xây dựng mới Trạm Y tế xã Thạnh An tại Trường trung học cơ sở Thạnh An (cũ).

Vị trí khu đất dự kiến xây dựng mới trạm y tế đã không sử dụng trong thời gian dài. Khu đất gồm 2 khối lớp học, 1 khối phục vụ học tập và hành chính, nhà vệ sinh. Tất cả các khối nhà là nhà cấp 4, đã xuống cấp nghiêm trọng, nền sân ngập nước, bao quanh là rác. Toàn bộ kiến trúc công trình đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn, cần được tháo dỡ để xây mới. Ðịa điểm này theo đánh giá là phù hợp với nhu cầu thực tế, bởi khuôn viên trường bỏ hoang đã lâu, trong khi trụ sở Trạm Y tế xã Thạnh An chật hẹp, xuống cấp.

Ðể xúc tiến dự án này, đã có nhiều văn bản trao đổi, thẩm định giữa các sở: Tài nguyên và Môi trường; Quy hoạch và Kiến trúc; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy nhiên, các đơn vị xác định chưa thể xây dựng Trạm Y tế xã Thạnh An vì vị trí được đề xuất "chưa phù hợp quy hoạch sử dụng đất được duyệt". Cụ thể, vị trí xây dựng trạm y tế là đất quy hoạch giáo dục và thuộc cù lao Phú Lợi (nằm trong ranh giới rừng phòng hộ). Các đơn vị cho rằng việc xây dựng Trạm Y tế xã Thạnh An chỉ được thực hiện khi điều chỉnh quy hoạch, đưa cù lao Phú Lợi ra khỏi ranh giới rừng phòng hộ, đồng thời chuyển quy hoạch đất giáo dục sang đất y tế.

Bác sĩ Luân Thanh Trường, Trưởng Trạm Y tế xã đảo Thạnh An khẳng định, việc xây dựng trạm y tế mới cho xã đảo Thạnh An là rất cấp bách. Theo thiết kế, ngoài việc có được nhiều phòng chức năng, trạm còn được thiết kế một phòng mổ xử trí mổ cấp cứu khi có ca bệnh nặng. Có được cơ sở mới sẽ rất thuận lợi cho việc tiếp nhận, cấp cứu điều trị bệnh nhân trước khi đưa đi cấp cứu lên tuyến trên kịp thời hơn.

Trưởng Trạm Y tế xã đảo Thạnh An cho biết thêm: Sau khi được ngành y tế thành phố quan tâm, tạo điều kiện người dân tin tưởng hơn khi đến khám tại trạm y tế xã đảo, tổng số ca khám từ đầu năm đến nay khoảng 6.000 ca, tăng 1.000 ca so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 424 lượt khám bệnh cho người dân ấp Thiềng Liềng cách trung tâm xã khoảng 7 km đường sông, có 120 hộ dân, với hơn 800 người, với tần suất khám từ 1-2 tuần /1 lần. Thời gian gần đây, với chương trình nâng cao năng lực y tế cơ sở, Trạm Y tế xã Thạnh An đã có bác sĩ luân phiên về, có thêm nhiều ứng dụng, thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh. Chương trình đưa bác sĩ trẻ về trạm công tác luân phiên nhằm tăng cường năng lực khám, chữa bệnh cho người dân ngay tại trạm y tế đã thật sự "nâng tầm" cho y tế xã đảo.

Thống kê từ ngày 18/11/2021 - 17/10/2022 (trước khi triển khai đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở) Trạm Y tế xã Thạnh An đã cấp cứu 158 trường hợp, trong đó phải chuyển 119 trường hợp lên Trung tâm y tế huyện Cần Giờ và từ ngày 18/11/2022 - 17/10/2023 (sau khi triển khai đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở), trạm đã cấp cứu cho 155 người bệnh trong đó 103 ca phải chuyển đi. Như vậy, tỷ lệ số ca cấp cứu phải chuyển Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ đã giảm 8,5%.

Ngày 16/11/2023 dấu mốc tròn một năm ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Chương trình nâng cao năng lực y tế cơ sở tại xã đảo Thạnh An, với nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, từ tháng 11/2022, ngành y tế thành phố đã triển khai hàng loạt hoạt động hỗ trợ xã đảo Thạnh An như: Ứng dụng công nghệ AI trong chẩn đoán, chăm sóc hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai telemedicine kết nối hội chẩn từ xa giữa bác sĩ trên xã đảo với các bác sĩ chuyên khoa tuyến cuối của thành phố; chương trình quản lý và chăm sóc người dân mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm; mô hình cấp cứu đường thủy tại xã đảo Thạnh An và mới đây nhất là hệ thống soi cổ tử cung từ xa (TeleCervicography) đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương triển khai tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An để tầm soát ung thư cổ tử cung...