Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ năm 2010 đến năm 2013, BHXH các địa phương đã khởi kiện gần 4.000 vụ nhưng chỉ thu được 736 tỷ đồng trên tổng số 1.788 tỷ đồng tiền nợ. Riêng năm 2014, 50 cơ quan BHXH địa phương đã khởi kiện 5.832 đơn vị có tổng số tiền nợ đọng BHXH là 2.445 tỷ đồng nhưng cũng chỉ thu hồi được khoảng 25% (621 tỷ đồng). Địa phương được xem là “tích cực” nhất trong việc thực hiện biện pháp này là TP Hồ Chí Minh, từ năm 2008 đến nay, cơ quan BHXH đã khởi kiện gần 4.200 đơn vị, nhưng tỷ lệ thu hồi nợ sau khởi kiện cũng mới đạt hơn 60% (816,3 tỷ đồng trên tổng số nợ 1.344 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong ba tháng đầu năm nay, số nợ mà BHXH TP Hồ Chí Minh “đòi” được cho NLĐ chỉ tương đương với khoảng 8% tổng số tiền BHXH các doanh nghiệp (DN) còn nợ.
Nguyên nhân của thực trạng này, bên cạnh việc không ít DN bị khởi kiện đã rơi vào tình trạng phá sản hoặc sản xuất kinh, doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ, còn xuất phát từ ý thức tuân thủ pháp luật của các DN còn rất hạn chế. Không ít trường hợp Tòa án đã có phán quyết (quyết định công nhận kết quả hòa giải hoặc bản án), nhưng nhiều DN vẫn cố tình trốn tránh trách nhiệm thi hành án. Cùng với đó là rất nhiều những khó khăn khác, như: Hệ thống pháp luật chưa chặt chẽ trong việc quản lý toàn diện DN phải thi hành án; việc buộc người được thi hành án (cơ quan BHXH) phải đi xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của bên bị đơn thua kiện; việc các DN có thể lập tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau để trốn tránh khi bị xác minh tài sản… Trong một số trường hợp, sự “vào cuộc” không kịp thời, chưa thật sự trách nhiệm của cơ quan thi hành án một số cơ sở địa phương cũng gây không ít khó khăn cho việc thực hiện phán quyết của Tòa. Mặc dù Luật Thi hành án dân sự quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phải thi hành án cố ý không chấp hành quyết định thi hành án, nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Để tháo gỡ những vướng mắc này, vừa qua, BHXH Việt Nam và Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã ký kết Quy chế phối hợp, xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong công tác thi hành án dân sự liên quan tới BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Theo đó, cùng với việc phối hợp trong cung cấp, trao đổi thông tin; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết những khó khăn có liên quan trong từng giai đoạn thi hành án, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ chủ động hoặc chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án dân sự theo luật định; tập trung tổ chức thi hành dứt điểm các vụ án có điều kiện thi hành, nhất là những vụ án lớn, có giá trị thi hành án cao, tránh trường hợp tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án…
Có thể nói, đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để những nội dung phối hợp này phát huy hiệu quả và để những “nút thắt” trong công tác thi hành án các vụ việc liên quan đến BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được tháo gỡ kịp thời, bảo vệ hữu hiệu quyền lợi của NLĐ thì sự chủ động, trách nhiệm trong công tác phối hợp, triển khai Quy chế của các bên liên quan tại cơ sở là hết sức cần thiết.
Lăng kính an sinh
Gỡ “nút thắt” thi hành án nợ BHXH
Thi hành án có thể coi là biện pháp cuối cùng được thực hiện, nhưng thực tế việc cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đứng đơn khởi kiện các đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm (BH) thất nghiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người lao động (NLĐ) đến nay vẫn chưa thu được nhiều kết quả.