Khó khăn bủa vây tứ bề
Nhà máy gang thép Việt-Trung là công trình hợp tác giữa hai phía Việt Nam và Trung Quốc, trực tiếp là giữa UBND tỉnh Lào Cai, Tổng Công ty Thép Việt Nam và Công ty Hữu hạn khống chế Cổ phần Gang thép Côn Minh (Trung Quốc) nhằm khai thác và chế biến quặng sắt (li-mô-nít) tại mỏ Quý Xa, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Thực hiện theo dự án, khu mỏ Quý Xa nằm cách Nhà máy gang thép Việt-Trung (tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng) khoảng 35 km, có trữ lượng 120 triệu tấn, đã được các bên liên doanh đầu tư dây chuyền, thiết bị khai thác, với năng lực cung cấp khoảng ba triệu tấn quặng có hàm lượng tiêu chuẩn, bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất phôi thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Tiếp đó, Nhà máy sản xuất gang thép Tằng Loỏng, được xây dựng và đi vào sản xuất từ tháng 12-2014, với công suất 500 nghìn tấn phôi thép/năm.
Thực tế, từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy đã cung ứng ra thị trường trong nước và xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn phôi thép và gang thỏi, để sản xuất ra thép cán thương phẩm các loại, phục vụ nhu cầu xây dựng trên thị trường và xuất khẩu.
Theo báo cáo của nhà máy, trong 7 tháng đầu năm nay, nhà máy đã sản xuất được 231 nghìn tấn phôi thép. Về tiêu thụ sản phẩm, nhà máy đã bán được 243 nghìn tấn phôi thép (có cả lượng phôi thép tồn của năm trước). Doanh thu đạt 2.274 tỷ, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đạt âm 339%.
Theo ông Trần Trọng Mạnh - Phó Tổng giám đốc Công ty khoáng sản và luyện kim Việt- Trung, nguyên nhân khiến cho Nhà máy gang thép Việt- Trung rơi vào cơn “bĩ cực”, thua lỗ, là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá bán phôi thép giảm sâu, sản lượng tiêu thụ giảm cùng với chưa tiêu thụ được quặng sắt khai thác từ mỏ Quý Xa (506 nghìn tấn quặng li-mô-nít và hơn ba triệu tấn quặng đe-lu-vi) dẫn đến dòng tiền thu về rất thấp. Bên cạnh đó, tình hình tài chính của VTM gặp rất nhiều khó khăn, do áp lực nộp ngân sách nhà nước rất lớn, cấp gói tín dụng mới từ Ngân hàng Vietinbank khó khăn khiến nhà máy gang thép Việt Trung không có vốn lưu động để sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, do phía Trung Quốc siết chặt cửa khẩu để chống dịch Covid-19 nên việc nhập khẩu đối lưu than cốc liên tục trong tình trạng không đáp ứng số lượng, lượng than cốc dự trữ trong kho thấp kỷ lục, luôn tiềm ẩn nguy cơ dừng sản xuất, buộc nhà máy phải chạy cầm chừng để không bị ‘tắt lò”.
Từ cuối tháng 2 đến nay, lượng than cốc dự trữ trong kho chỉ đáp ứng khoảng 2-3 ngày sản xuất, ngày 14-4-2020, hét sạch than cốc, buộc nhà máy phải dừng sản xuất trong thời gian tám giờ đồng hồ, gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Từ cuối tháng 6 đến nay, nguồn cung ứng quặng ma-nhê-tít bị đứt đoạn, nhà máy phải dùng 100% quặng từ mỏ Quý Xa (có tính nứt vỡ mạnh) trong quá trình thiêu kết, khiến chất lượng quặng sụt giảm, ảnh hưởng đén các chỉ tiêu của phôi thép ra lò.
Theo quy định, đến ngày 31-12-2020, giấy phép khai thác mỏ sắt Quý Xa sẽ hết hạn, muốn gia hạn thì VTM phải thanh toán dứt điểm toàn bộ các khoản nợ ngân sách nhà nước, hoàn thành nghĩ vụ tài chính liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, trong khi tình hình tài chính của VTM hiện nay rất “bết bát”, cạn kiệt, không có khả năng thanh toán. Đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu là 1.325,9 tỷ đồng, tổng tài sản là 8.051,4 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 6.725,4 tỷ đồng, lỗ lũy kế 679,2 tỷ đồng.
Hiện nay, Công ty VTM còn nợ ngân sách nhà nước 957 tỷ đồng, nợ ngân hàng 3.667 tỷ đồng, nợ các nhà cung cấp 1.846 tỷ đồng, thiếu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và chi phí tài chính cao. Vướng mắc cơ bản nhất hiện nay của Công ty VTM là không có nguồn tài chính để thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước (là nguyên nhân chính dẫn đến khả năng Nhà nước sẽ không gia hạn Giấy phép khai thác mỏ Quý Xa) và đáp ứng nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư.
Tháo gỡ khó khăn bằng cách nào?
Nhà máy gang thép Lào Cai là một trong 12 dự án thua lỗ trọng điểm của Bộ Công thương. Bằng nhiều giải pháp và nỗ lực của Tổng công ty thép Việt Nam, của VTM, từ năm 2018, nhà máy đã làm ăn có lãi và đang được đề xuất đưa ra khỏi diện thua lỗ, yếu kém thì dịch Covid-19 ập đến. Để tháo gỡ khó khăn cho nhà máy, tránh nguy cơ dừng hoạt động, “tắt lò” vì cạn kiệt tài chính, thiếu nguyên liệu đầu vào, hết hạn giấy phép khai thác mỏ sắt Qúy Xa, ngay tại Lào Cai, ngày 3-11-2019, ông Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai và ông Đỗ Lục Quân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hữu hạn khống chế Cổ phần Gang thép Côn Minh (Trung Quốc) đã làm việc, đưa ra các giải pháp cụ thể.
Theo đó, Công ty hữu hạn Khống chế cổ phần gang thép Côn Minh đã cắt cử một số chuyên gia sang hỗ trợ giúp đỡ nhà máy gang thép Việt -Trung; tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ phôi thép tại Trung Quốc.
Ông Quân mong muốn tỉnh Lào Cai hỗ trợ tạo điều kiện cho nhà máy được tăng chỉ tiêu xuất khẩu quặng sắt nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn hai của Nhà máy gang thép Việt- Trung; gia hạn giấy phép khai thác mỏ quặng Quý Xa cho Nhà máy gang thép Việt – Trung. Về phía tỉnh Lào Cai sẽ điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên quặng sắt li-mô-nít tại mỏ Quý Xa, phù hợp với giá thị trường đang giảm sâu, điều chỉnh mức thu đóng góp từ khai thác khoáng sản để bảo đảm hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai đề nghị công ty VTM phải thực hiện xong thanh toán nợ đọng còn tồn như một số khoản thuế, phí thì mới đủ cơ sở để gia hạn khai thác mỏ quặng sắt Quý Xa.
Điều có ưu thế lớn của Nhà máy sản xuất phôi thép Tằng Loỏng là khai thác nguồn quặng sắt tại chỗ, chế biến sâu ra thép cán các loại, phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu. Theo tính toán và kỳ vọng của Tổng công ty Thép Việt Nam và tỉnh Lào Cai, đây sẽ là một trong những “mũi nhọn công nghiệp” ở vùng Tây Bắc và địa phương để gia tăng giá trị quặng nguyên khai, giải quyết việc làm bền vững, thúc đẩy các phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho cho ngân sách nhà nước.
Để tháo gỡ khó khăn, giảm bớt áp lực cho ngành thép, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cũng kiến nghị hai giải pháp quan trọng lên cơ quan chức năng. Một là kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng như: giãn và kéo dài thời gian các khoản nợ vay sắp đến hạn thanh toán; đồng thời giảm lãi suất giúp doanh nghiệp thép vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thứ hai, VSA kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương giãn thời gian nộp thuế và các khoản thu ngân sách của các doanh nghiệp thép để tránh gây áp lực thêm cho doanh nghiệp, trong đó, có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…
Trước khó khăn của các doanh nghiệp do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội được coi là “phao cứu sinh” giúp cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có ngành thép trụ vững; vấn đề tiếp theo là các cơ quan nhà nước liên quan cần nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ để hỗ trợ được hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép hiện nay.