“Gõ cửa trái tim” trẻ nhỏ bằng những câu chuyện từ hiện thực cuộc sống

NDO -

NDĐT – Sáng tác cho trẻ em dễ hay khó? Chuyển tải những câu chuyện hiện thực cuộc sống vào văn chương cho trẻ em như thế nào để các em dễ tiếp thụ, cảm nhận và biến đó thành bài học cho mình? Đó là những điều mà các tác giả sáng tác cho thiếu nhi đã cùng nhau thảo luận, trao đổi trong khuôn khổ cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2013-2015.

Các tác giả cao niên tham gia cuộc trao đổi.
Các tác giả cao niên tham gia cuộc trao đổi.

Cuộc tọa đàm thu hút những cây viết ở nhiều lứa tuổi, từ các tác giả cao niên như Phạm Khánh, Lê Thị Phương Liên, Đặng Văn Toàn…, cho đến những cây bút còn rất trẻ, nhiều bạn còn đang là học sinh, sinh viên yêu mến công việc viết lách. Nhiều người trước đây chưa từng sáng tác cho thiếu nhi, mà chỉ viết cho tầng lớp thanh niên, trung niên, nhưng sau khi sáng tác và đoạt giải cuộc vận động này, đã trở nên gắn bó với đề tài thiếu nhi. Nhiều người không phải là viết văn chuyên nghiệp, như có những nhà giáo cao tuổi, có những bạn trẻ làm kinh doanh, thậm chí kỹ sư xây dựng, nhưng chỉ nhờ mối duyên tình cờ dẫn dắt đến với văn học thiếu nhi mà trở thành cây bút, và thành cộng tác viên “ruột” của NXB Kim Đồng.

Nguyễn Ngọc Hoài Nam, tác giả truyện “Con ma da sau vườn” giành giải nhất năm 2012-2013, vốn là một kỹ sư xây dựng. Anh nảy ra ý tưởng viết câu chuyện một cách hết sức tình cờ, xuất phát từ ngay khu vườn nhà mình, và sau khi hoàn thành, các con anh là những bạn đọc đầu tiên. Câu chuyện xoay quanh ba anh em vượt qua chính bản thân mình để dẹp bỏ nỗi sợ con ma da trong vườn. Được sự ủng hộ của các con, Nguyễn Ngọc Hoài Nam quyết định gửi tác phẩm đi dự thi, và sau đó… quên luôn. Đến khi được báo tin giành giải, anh mới nhớ ra và hoàn toàn bất ngờ. Chị Hường Lý, biên tập viên NXB Kim Đồng cho biết, sau này Nguyễn Ngọc Hoài Nam đã trở thành cộng tác viên thân thuộc của NXB. Tương tự, Đinh Thị Thu Hằng, tác giả “Bí mật đôi cánh hoa bay” là người làm nghề kinh doanh. Tác phẩm của chị giành giải nhất thể loại truyện ngắn năm 2012-2013.

“Gõ cửa trái tim” trẻ nhỏ bằng những câu chuyện từ hiện thực cuộc sống ảnh 1

Một số tác phẩm của cuộc vận động năm ngoái được lựa chọn xuất bản.

Đây là năm thứ 8 NXB Kim Đồng phối hợp với Dự án Hỗ trợ Văn học Việt Nam – Đan Mạch tổ chức cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi. Mỗi năm một chủ đề thú vị, và qua mỗi năm, cuộc thi lại trở nên đầy thử thách hơn với người viết. Ông Nguyễn Huy Thắng, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng chia sẻ, hiện tại nhu cầu đọc của các em rất lớn, theo thể loại, lứa tuổi, theo đề tài…, cả văn học trong nước và nước ngoài, vì vậy bao nhiêu người viết, người dịch cũng là không đủ. Ông Nguyễn Huy Thắng cũng cho biết: “Các đợt vận động sáng tác trước thu hút hàng trăm truyện ngắn, tác phẩm văn xuôi, truyện tranh… tham gia. Không phải tất cả số đó đều được công bố, in thành sách hoặc trao giải. Nhưng chỉ riêng việc các tác giả nhiệt tình gửi tác phẩm dự thi đã là gửi gắm tấm lòng cho thế hệ trẻ”. Theo ông Nguyễn Huy Thắng, cuộc vận động sáng tác mỗi năm chất lượng lại cao hơn, và đây là thử thách không nhỏ đối với ngòi bút của các tác giả.

Năm nay, cuộc vận động sáng tác có hai chủ đề: “Gõ cửa trái tim” dành cho lứa tuổi từ 10-14 và “Ngày tôi gặp…” cho lứa tuổi từ 3-6. Cuộc vận động khuyến khích các tác giả sáng tác hướng về hiện thực cuộc sống, đưa hiện thực cuộc sống vào các tác phẩm cho trẻ em.

Tại cuộc tọa đàm, nhiều tác giả cũng băn khoăn về cách thể hiện thế nào để chuyển tải một cách nuột nà những vấn đề của cuộc sống thực tại vào các tác phẩm cho thiếu nhi.

Bà Lê Thị Dắt (Dự án hỗ trợ Văn học Việt Nam – Đan Mạch) chia sẻ, trong một cuộc vận động sáng tác gần đây, một tác phẩm viết về đề tài rất khô khan, rất khó hay là “Hiến máu nhân đạo”, lại nhận được sự thích thú đặc biệt của độc giả, nhất là khi đăng tải trên mạng. Tác giả đã chọn một câu chuyện tưởng tượng về người dân trong một ngôi làng ở Tây Nguyên mắc bệnh lắc lư, không thể nào chữa được, chỉ sau này khi được truyền máu thì họ mới khỏi bệnh. Cách tiếp cận đầy sáng tạo và thú vị như vậy đã đem lại sự hấp dẫn cho câu chuyện, và giúp tác giả giành giải.

Hiện tại trẻ em ở thành phố hiện nay phần lớn rơi vào tình trạng không chia sẻ cảm xúc, hướng về bản thân mình nhiều hơn, cùng với việc bị chi phối bởi các thiết bị điện tử, các phương tiện giải trí hiện tại. Nhiều em không quan tâm đến gia đình, cha mẹ, những người xung quanh mà chỉ biết đến cuộc sống ảo trên mạng. Có tác giả đã gọi hiện tượng này là đáng báo động, và gặm nhấm nhân cách của trẻ. Nhà văn Lê Thị Phương Liên cho rằng, không tham vọng văn học thiếu nhi giống như một cây đũa thần làm thay đổi mọi chuyện, tuy nhiên đó cũng đã là góp phần chung tay với xã hội đẩy lùi hiện tượng này.

Ông Nguyễn Huy Thắng chia sẻ: “Chủ đề của cuộc vận động năm nay là hướng các em quan tâm tới những người chung quanh mình, giảm bớt sự chú ý vào các thiết bị giải trí hiện đại, góp phần giữ cho phần con người trong các em không bị đẩy lùi bởi thế giới ảo”.

Bà Lê Thị Dắt cho rằng, các câu chuyện chỉ là hình thức, dù thể hiện bằng cách nào, thì khi bóc tách các lớp “vỏ” ra, cốt lõi vẫn là tính giáo dục, nhân văn, hướng trẻ nhỏ tới cái thiện, yêu gia đình, bạn bè, người thân, trở thành người tốt trong xã hội. Bà nhấn mạnh: “Muốn trẻ yêu Tổ quốc, yêu đất nước, ngay từ khi còn nhỏ đã phải hướng trẻ tới tình yêu gia đình, người thân Những điều lớn lao bao giờ cũng bắt nguồn từ cái nhỏ nhất.”