Giúp trẻ “nghĩ tích cực, sống tự tin”

NDO -

Trẻ nhỏ đi học cũng phải chịu nhiều áp lực, từ việc học tập, từ cha mẹ, thậm chí từ cả bạn bè, thầy cô. Vậy người lớn nên làm thế nào để giúp cho trẻ tháo bỏ áp lực đồng trang lứa, tự tin đến trường và hòa đồng cùng nhiều hoạt động phù hợp trong xã hội?

Các diễn giả trao đổi về áp lực học đường.
Các diễn giả trao đổi về áp lực học đường.

Câu trả lời được các chuyên gia chia sẻ và cũng được cung cấp trong những cuốn sách về tâm lý học dành cho trẻ ở tuổi đến trường được giới thiệu trong buổi tọa đàm do Đinh Tị Books tổ chức.

Tọa đàm mang tên "Nghĩ tích cực - Sống tự tin" nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 và kỷ niệm 5 năm thành lập Phố Sách. Tham dự tọa đàm có Th.S Tâm lý giáo dục Lại Vũ Kiều Trang (ĐH Văn hóa Hà Nội)-chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy kỹ năng sống và kỹ năng mềm, chuyên gia Đào Quỳnh Anh - (chuyên ngành Tâm lý học tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), chuyên viên cao cấp về tâm lý học đường.

Đối với trẻ trong độ tuổi đến trường, có nhiều loại áp lực khác nhau mà thường người lớn không để ý. Diễn giả Quỳnh Anh cho biết, có rất nhiều loại áp lực, trải dài khắp các độ tuổi. Ở tuổi tiểu học, trẻ thường bị gia đình so sánh với bạn bè đồng trang lứa. Ở độ tuổi trung học, ngoài áp lực học hành, trẻ còn chịu những tác động về tình cảm, thay đổi tâm sinh lý và ngoại hình".

Diễn giả Quỳnh Anh cho biết, hiện tại cụm từ "Áp lực đồng trang lứa" đang rất thịnh hành. Có thể hiểu đây là loại áp lực gây ra từ những người xung quanh, đặc biệt là bạn bè cùng trường lớp, nhất là việc ganh đua, hơn kém trong học tập và sinh hoạt. Phổ biến nhất và được các bậc cha mẹ sử dụng nhiều nhất là cụm từ "con nhà người ta".

Giúp trẻ “nghĩ tích cực, sống tự tin” -0
 Đọc sách cũng là cách tăng cường sức khỏe tinh thần cho trẻ.

Diễn giả Kiều Trang cũng chia sẻ “Ai trong chúng ta cũng từng bị so sánh với người khác. Áp lực đồng trang lứa xuất hiện với mọi độ tuổi. Chính các bậc phụ huynh cũng bị so sánh với phụ huynh khác, khi con họ kém hơn, và nghĩ rằng do mình kém cỏi nên con cái không thể vươn lên. Thế nhưng việc con cái giỏi giang không phải là thước đo giá trị của con người. Mỗi người sinh ra đều có một đặc điểm riêng, không thể đánh giá con cá qua khả năng leo cây.  Khi gặp các áp lực ấy từ cha mẹ,  con trẻ sẽ có biểu hiện phản ứng, chống đối. Các vị phụ huynh thường phán xét con qua những hành vi này và điều này vô tình cô lập đứa trẻ.

Một loại áp lực đồng trang lứa đang gây nhiều hậu quả tâm lý nhất là áp lực học đường”. Chị Kiều Trang kể về một trường hợp chị từng tư vấn: một bạn học sinh nói rằng không thể làm quen được với các bạn, bởi vì mình không có khả năng nào nổi bật. “Với trường hợp này, tôi không thể đưa ra lời khuyên vì bạn ấy phải tự nhận thức được khả năng của mình, phải thay đổi từ trong nhận thức. Tôi đã đưa ra cho bạn ấy nhiệm vụ là hỏi người thân về các điểm mạnh của mình, rồi dần dần bạn ấy đã nhận ra và thay đổi. Một ngày kia gặp lại, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy bạn ấy đã thay đổi hoàn toàn, tự tin, có rất nhiều bạn và còn có cả bạn gái”.

Diễn giả Quỳnh Anh cho rằng, những khác biệt về thế hệ, về lứa tuổi tạo ra sự khác biệt trong suy nghĩ giữa cha mẹ và con cái. Đôi khi những thay đổi theo các lứa tuổi của con cũng khiến cha mẹ bối rối. Chẳng hạn từ lứa tuổi thiếu nhi bước vào tuổi teen, cha mẹ sẽ thấy con không còn ngoan ngoãn vâng lời như trước kia nữa, cha mẹ tìm cách áp đặt hoặc thấy rối, và thế là con phải chịu áp lực từ sự rối đó.

Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ những áp lực của con cái khi quay trở lại trường sau một thời gian dài học online, hoặc việc làm sao để biến áp lực đồng trang lứa thành điều tích cực… 

Giúp trẻ “nghĩ tích cực, sống tự tin” -0
 

Tránh áp lực cho con cái cũng có nghĩa là chính cha mẹ phải thay đổi tư duy. Th.S Lại Vũ Kiều Trang cho rằng, cha mẹ không thể ép con đi theo con đường mà cha mẹ chọn, mà chỉ có thể định hướng con. Cha mẹ cũng cần phải hiểu được tâm lý của lứa tuổi. Có những điều người lớn cho là tốt cho con, nhưng chưa chắc con đã thấy thế.

Chia sẻ, lắng nghe, cho con quyền tự do bày tỏ suy nghĩ với cha mẹ cũng là một cách để hiểu con, góp phần giảm bớt áp lực cho con. Th.S Lại Vũ Kiều Trang cũng đưa ra phương pháp cho cha mẹ để giải quyết loại áp lực này: " Tôi nghĩ rằng các bậc phụ huynh cần lắng nghe con cái nhiều hơn, kế đến là lắng nghe chính bản thân mình. Lắng nghe mà không phán xét, cũng như tìm hiểu phía sau hành động của mỗi đứa trẻ là biểu hiện tâm lý nào. Nếu chúng ta cảm thấy khó nói chuyện thì viết thư là một hình thức hữu hiệu. Ngoài ra các cha mẹ không chỉ nên quan tâm đến mỗi con mình, mà có thể cần trò chuyện, dành thời gian làm bạn với cả những người bạn của con nữa”.

Cũng có những cách để bố mẹ tháo bỏ bớt những áp lực đó, thí dụ như hướng cho con tìm ra những điểm mạnh của mình, cho con đọc sách từ nhỏ để làm phong phú thế giới nội tâm cũng là một cách tăng cường “sức đề kháng” cho tinh thần để trẻ vững vàng hơn trong việc đối diện với các vấn đề khác nhau của cuộc sống. Một trong những cuốn sách có thể giúp cả cha mẹ và con cái làm được điều này là “Nghĩ tích cực - sống tự tin” của tác giả Jacqui Letran - do Đinh Tị Books phát hành. Ngoài ra, nhiều tựa sách về giáo dục kỹ năng, làm cha mẹ đã được các đơn vị xuất bản phát hành ra thị trường và nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, như dòng sách Cùng Con Trưởng Thành của Đinh Tị Books.

Đây là tín hiệu đáng mừng dành cho các vị phụ huynh và học sinh ở thế hệ mới, hướng đến một xã hội lành mạnh, giàu sự cảm thông.