Những ngày giữa tháng 5, nhiều ao tôm giống tại xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) đã không còn nước do người nuôi “treo ao”. Từ Quốc lộ 1A dẫn vào các ao vuông tôm cũng vắng bóng xe tải chở hàng.
Chồng chéo khó khăn
Thất bại hơn bốn lứa tôm giống, thiệt hại vài tỷ đồng, nông dân Lê Quang Nghị có hơn 10.000m2 nuôi tôm tại thị xã La Gi kể, với kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm, nhưng ông chưa bao giờ thấy nghề này lại gặp nhiều khó khăn như vậy. Tôm giống vừa mới thả xuống ao là chết. Sau khi tôm chết, ông Nghị phải vệ sinh ao kỹ hơn và cho sử dụng nhiều thức ăn dinh dưỡng rồi thả lứa mới, nhưng tôm vẫn chết.
Mặc dù cơ quan chức năng, công ty giống xuống kiểm tra nguồn nước, môi trường, thức ăn, tôm giống, nhưng không đơn vị nào nêu rõ được nguyên nhân. Trong khi đó, các công ty tôm giống có thương hiệu lại không bảo hành con tôm. Cơ sở hoặc công ty nhỏ chỉ bảo hành tôm giống 15 ngày. Nhưng, tôm giống mang về nuôi sau 35 ngày là chết. Người nuôi tôm phải chịu thiệt hại.
Nếu như những tháng trước tôm chết do bệnh thì hiện nay, biến đổi khí hậu càng khó lường khiến cho ngành nuôi tôm thêm khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận nhận định, có thể thấy, tôm giống là vấn đề lo lắng nhất đối với người nuôi. Thời gian qua, tôm giống kém chất lượng do chưa được kiểm soát, kiểm dịch tốt trước khi xuất ra trại và vận chuyển; việc quản lý sản xuất tôm giống còn lỏng lẻo, không có tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng; quy hoạch vùng nuôi còn tràn lan. Một yếu tố khác là sản lượng tôm giống không đủ đã dẫn đến cảnh người nuôi tranh mua, người bán tranh bán. Hệ lụy là tôm bị mắc nhiều bệnh, môi trường nước ô nhiễm làm lây lan sang vùng nuôi khác.
Tỉnh Bình Thuận hiện có 128 cơ sở với 764 trại sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; trong đó, hơn 50 công ty có vốn đầu tư trong nước và hai công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Sản lượng tôm giống do tỉnh sản xuất và tiêu thụ là hơn 25 tỷ con/năm, cung cấp tôm giống cho thị trường cả nước.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Chiến nhìn nhận: Hai năm qua, tình hình sản xuất tôm giống khó khăn do sản lượng nuôi tôm thương phẩm trên cả nước giảm thấp, ngược lại chi phí đầu tư nuôi tôm lại tăng cao. Từ đó, người nuôi hạn chế thả tôm giống, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và tiêu thụ tôm giống của tỉnh, nhiều cơ sở tạm nghỉ sản xuất. Hiện tỉnh có 107 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất. Số cơ sở còn lại đang tạm ngưng hoạt động, chủ yếu có quy mô nhỏ.
Hướng đến trở thành trung tâm cung cấp giống tôm cả nước
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa 14) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế, đẩy mạnh sản xuất giống tôm ứng dụng công nghệ cao, giữ vững thương hiệu tôm giống Bình Thuận; sản lượng sản xuất tôm giống năm 2022 đạt hơn 25 tỷ con và năm 2023 đạt gần 25 tỷ con. Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất tôm giống.
Nhằm giảm đến mức thấp nhất rủi ro, nâng cao hiệu quả cho người nuôi tôm thì khâu kiểm tra chất lượng con giống trước khi thả là điều rất cần thiết. Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết: Viện Ðào tạo và Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thủy sản Sabio phối hợp với Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận đầu tư máy xét nghiệm Real-time PCR giúp nhận biết được vi khuẩn mới để có cảnh báo, khuyến cáo cho các trại giống và người nuôi. Máy Real-time PCR có thể xét nghiệm được 50 bệnh thủy sản, trong đó có 21 bệnh trên tôm.
Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận Nguyễn Hoàng Anh đưa ra quan điểm, tôm bố mẹ có vai trò then chốt trong chuỗi sản xuất, do đó cần chủ động nguồn tôm bố mẹ để hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Ngành chức năng cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với đơn vị nghiên cứu có uy tín để tiếp cận, nhận chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu, nhất là công nghệ chọn tạo giống.
Ông Nguyễn Văn Chiến nhận định, các công ty lớn hợp tác, liên kết với cơ sở nhỏ lẻ tạo thành chuỗi nhằm giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, sản xuất quy mô lớn hơn. Ngành chức năng cần phối hợp công ty kiểm tra, thanh tra xử lý tận gốc các cơ sở vi phạm chất lượng giống thủy sản. Các công ty phối hợp với các cơ quan chức năng, hiệp hội hỗ trợ phân tích, dự báo, cung cấp thông tin thị trường cho các tổ chức, cá nhân trong chuỗi sản xuất tôm giống.
Về phía hiệp hội, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị: Các cơ sở sản xuất tôm giống phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng và được cơ quan quản lý, chính quyền địa phương tiếp nhận thẩm định. Ðang có thực trạng, một số cơ sở sản xuất giống không có tiêu chuẩn, mù mờ về chất lượng. Ðịnh kỳ, cơ quan quản lý cần lấy mẫu ngẫu nhiên tại cơ sở để phân tích, xét nghiệm đối chứng tiêu chuẩn làm cơ sở quản lý chất lượng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý xây dựng tiêu chuẩn nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn cho tôm và tiêu chuẩn thức ăn đầu ra làm căn cứ kiểm soát chất lượng sản phẩm định kỳ. Nhà nước cần đầu tư hạ tầng ngành tôm để bảo đảm an toàn dịch bệnh, đồng bộ chất lượng.
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, tỉnh tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, nguồn kinh phí lớn từ ngân sách tỉnh đã hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị. Nhiều doanh nghiệp lớn đã ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp rà soát, quản lý quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường, tập quán sản xuất tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phát triển bền vững.