Giữ màu xanh cho rừng Thất Sơn

Vào mùa nắng nóng khô hạn này, vùng rừng núi Thất Sơn, tỉnh An Giang như “chảo lửa”. Cái nóng hầm hập đe dọa các cánh rừng nguyên sinh và tái sinh. Chỉ một chút bất cẩn trong dùng lửa cũng có thể dẫn đến cháy rừng.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra phòng chống cháy rừng mùa khô.
Kiểm tra phòng chống cháy rừng mùa khô.

Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh là 16.819,6 ha, gồm: Rừng đặc dụng 1.832,2 ha, rừng phòng hộ 11.445,5 ha; rừng sản xuất 3.542 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 theo kết quả theo dõi, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng là 3,68%.

Rừng và đất rừng của An Giang không lớn so với các tỉnh, thành phố khác nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, gắn liền với sự phát triển của du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ an ninh, quốc phòng biên giới. Hiện báo động cháy rừng tại An Giang đang ở cấp 5 là cấp cực kỳ nguy hiểm, trong đó vùng trọng điểm hơn 7.368 ha tập trung ở khu vực Thất Sơn gồm huyện Tri Tôn là 4.406 ha, thị xã Tịnh Biên là 2.912 ha.

Thất Sơn là vùng bán sơn địa, vì thế mùa khô nắng gắt có khi vượt quá 38 độ C. Dịp cuối tháng 2, trời đổ trận mưa rào làm mát lạnh cây rừng, vơi đi phần nào khô hanh. Chúng tôi men theo lối hành hương lên núi Cấm, xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên - một trong những khu vực trọng điểm cháy trong mùa khô. Mùa mưa, theo lối đi này có thể nghe nước suối Thanh Long chảy róc rách, nhưng thời điểm này con suối cạn trơ đáy phô bày sự khắc nghiệt của mùa hạn vùng cao.

Dù nằm võng nghỉ ngơi, gió thổi rừng cây xào xạc vẫn không xua nổi khí trời oi bức. Đang mùa hành hương nên du khách lên xuống núi khá đông. Ông Nguyễn Phi Kiếm, tạm trú trên núi Cấm cho biết, người dân trên núi tích cực cùng kiểm lâm tuyên truyền, vận động du khách hạn chế đốt nhang đèn, vàng mã ở những khu vực dễ xảy ra cháy. Bản thân người dân cũng ý thức việc sử dụng lửa, đề phòng cháy rừng vì khi xảy ra việc xấu sẽ kéo theo bao hệ lụy tác động đến đời sống như nhiều cây thuốc bị cháy rụi, lượng du khách giảm... Lo lắng của ông Kiếm không phải vô ích, bởi trong năm nay đã xảy ra vài vụ cháy nhỏ.

Chúng tôi xuống núi Cấm theo đoạn đường dành cho xe gắn máy. Xe chạy xuyên qua những cánh rừng thấp thoáng bóng đoàn người kiểm tra phòng chống cháy rừng. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên-Châu Đốc Chau Si Na cho biết, từ tháng 1/2024 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức hàng chục đợt tuần tra, bảo vệ rừng để hạn chế thấp nhất các vụ cháy. Từ núi Cấm qua các đồi núi khác, nắng chan hòa trên đầu.

Tại khu vực núi Dài huyện Tri Tôn, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Hưng ngồi tránh nắng dưới bóng cây. Ông cho biết có 5 công đất trồng trọt trên núi này xen kẽ trong cây rừng và mấy ngày nay phải dặn người làm công luôn chú ý bởi năm nay nắng hạn gay gắt hơn các năm trước. Ông cùng với người dân đang cho dự trữ nước trong các bồn nước để khi cần còn dập lửa.

Theo thống kê, năm 2023 tại An Giang xảy ra 13 vụ cháy rừng với tổng diện tích 10,29 ha nhưng chủ yếu cháy cây bụi, dây leo, trảng cỏ khô; rừng tràm tái sinh và rừng tràm tới chu kỳ khai thác. Nguyên nhân do người dân bắt ong, đốt đồng, đốt dọn rác sử dụng lửa bất cẩn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nguyễn Đức Duy cho biết, để công tác phòng chống cháy rừng đạt hiệu quả, lực lượng kiểm lâm kết hợp công an, dân quân tự vệ, lực lượng đoàn thể ở các địa phương có rừng lồng ghép trong các buổi họp dân để tuyên truyền giáo dục người dân các nội dung:

Phòng cháy chữa cháy; chống chặt phá, săn bắt động vật rừng; mua bán, vận chuyển gỗ, lâm sản và động vật hoang dã trái phép. Lực lượng sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa cháy rừng vùng đồi núi có 2.500 người gồm: Bộ đội, công an, kiểm lâm, ban quản lý rừng, tổ hợp tác bảo vệ rừng và hợp đồng bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm tại cơ sở ứng trực 100% kể cả ngày nghỉ, ngày lễ trong những tháng cao điểm mùa khô cho đến khi có mưa nhiều, nhằm bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống cháy rừng.

Đến nay, ngành kiểm lâm được trang bị bốn xe tải phục vụ chuyển quân, một xe chuyên dùng cơ động của Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên-Châu Đốc, một xe 15 chỗ của Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn-Thoại Sơn; trang bị 126 máy chữa cháy, 146 máy chữa cháy đeo vai, trên 7.535 dụng cụ như thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa, bàn cào...

Ngành Kiểm lâm phối hợp ngành chức năng thực hiện định vị, rà soát thống kê toàn bộ các hồ đập, bồn chứa nước phục vụ dân sinh và phòng cháy chữa cháy rừng trên khu vực đồi núi với 190 điểm chứa nước; ngoài ra, sử dụng nguồn nước dự trữ tại chỗ chủ yếu là chứa trong các can nhựa 10 lít tại các điểm chốt bảo vệ rừng, trong 454 bồn chứa dung tích một mét khối hiện có và tận dụng các hố nước tại chỗ trên các núi để xử lý ngay trong trường hợp khẩn cấp; xe bồn tiếp nước của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Ban công trình đô thị của các huyện, thành phố cũng sẵn sàng cung cấp nước thực hiện phương án bơm chuyền để phục vụ chữa cháy.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Nưng vừa ký Công văn 1054-CV/TU theo đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy khuyến khích biểu dương gương người tốt, việc tốt trong bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; phê phán, công khai các hành vi thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp của các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục, phòng ngừa; đồng thời tăng cường giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Các ngành, địa phương cần quan tâm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, người làm nghề rừng; triển khai dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon và phát triển nhanh thị trường tín chỉ carbon rừng…