Hà Nội một góc nhìn

"Giọt dầu" chảy tràn lan

Chiều cuối năm, mưa bụi giăng mờ mịt. Ðã dứt hẳn đợt rét tệ hại chưa từng thấy trong vòng mươi năm trở lại đây. Những khóm cây mộc trong sân chùa vừa bung ra một đợt hoa mới, đón mưa xuân sớm. Hương mộc tinh khiết, thanh cao quẩn quanh dưới mái chùa thâm nghiêm. Rêu phong ướt mềm như ẩn khuất, tách biệt và xa cách nhịp sống tất bật, nhộn nhạo ngoài kia. Có cảm giác, không gian và thời gian trong khuôn viên chùa bao năm nay vẫn chẳng có gì thay đổi. Vẫn những người tu hành một đời chay tịnh, tụng kinh, gõ mõ, làm tương, làm đậu phụ, muối dưa cà, trồng rau củ. Tự lo lấy cuộc sống thanh đạm, hầu như chẳng màng tới Tết nhất, vật chất cùng những ham hố, ham muốn đời thường, quay cuồng đến mức chóng mặt.

Dễ chừng đã ngót ba chục năm, ngôi chùa nghèo vẫn lụp xụp như khi tôi thường theo mẹ đi lễ ngày mồng một, ngày rằm và ngày Tết. Cây muồng cổ thụ, mấy gốc nhãn già gần như trùm kín ngôi chùa. Vào mùa hoa vẫn xúm xít từng chùm li ti, trắng ngà, ong mật tíu tít bay về. Cây già cỗi rồi, họa hoằn chỉ ra một đợt quả lưa thưa. Trong mắt tôi, có lẽ chùa ngày càng thấp xuống, thu nhỏ lại, nép mình trước bốn bề nhà cửa xa gần nâng cấp, lên tầng ngất ngưởng. Nên chùa càng lọt thỏm như chìm vào quên lãng, duy chỉ có con đường mòn vào chùa thì vẫn thế, mòn nhẵn dấu chân người xưa. Sư thầy ngày nào, giờ đã lên sư cụ trụ trì. Từ ngày mẹ tôi khuất bóng, tôi năng đến chùa nhiều hơn, chẳng kể ngày rằm, mồng một. Sư cụ coi tôi như người bạn vong niên, tri kỷ hàn huyên đủ mọi chuyện thế sự, lẽ đời. Mỗi lần được hầu chuyện sư cụ, tôi như được mở mang đầu óc sáng ra, nhìn sự đời rõ hơn hư thực, thật giả. Những lời mộc mạc, giản dị của bậc tu hành đắc đạo có lẽ thấm sâu, bởi lần nào sư cụ cũng pha chè do chính tay cụ ướp. Mùa hè thì trà ướp sen hạ hỏa; mùa thu có hoa cúc, hoa ngâu, rồi nước nụ vối ủ trong niêu sành. Ngỡ rằng, suốt ngày đêm lần tràng hạt tụng kinh kệ, sống ẩn khuất tránh xa bụi trần, sư cụ chẳng mấy bận tâm đến cõi tục. Vậy mà, chuyện gì cụ cũng rành rẽ ngọn ngành. Khi tôi mạn phép hỏi, cớ sao bây giờ nhiều đền, chùa lập nhiều hòm công đức thế? Khách thập phương đi lễ chùa đã thành lệ, rải tiền lẻ khắp nơi chốn chùa chiền, người ta còn giắt cả vào tay, bụng, dưới chân tượng Phật, thánh thần. Nhấp chén trà nóng nghi ngút khói hương, cụ mỉm cười độ lượng nói, ở ngoài đời như thế gọi là "lót tay", "bôi trơn". Xa xưa, dân ta đi lễ chùa có chút tiền cho nhà chùa lo chuyện đèn nhang, hương khói. Ấy là tiền "giọt dầu", đã có từ thuở tôi mặc áo nâu sồng, nương nhờ cửa Phật, là một nhu cầu tâm linh có thật. Nay thì "giọt dầu" ấy không được con nhang, đệ tử trân trọng đặt vào đĩa, dâng lên cho nhà chùa, nhà đền. Cho dù tiền lớn hay tiền nhỏ, đều từ tấm lòng người đi lễ. "Con giàu một bó, con khó một nén" cơ mà, chỉ cần thành kính dâng lên ban thờ là được. Giờ thì tiền "giọt dầu" chảy tràn lan. Tâm linh phai nhạt, méo mó, biến tướng. Ðến mức, như ngoài đời người ta hay nói là "lót tay", hối lộ cả Phật, thánh thần để đổi lấy những ước muốn, ham muốn. Bạch cụ, dẫu sao thì tiền giọt dầu, tiền công đức cũng không thể thiếu để nhà chùa sửa sang, tu bổ, tôi nói. Chứ con thấy, bây giờ những người lắm tiền, nhiều của cung tiến cho nhiều chùa chiền nâng cấp, "lên đời". Vậy mà ngôi chùa của mình ngày một nhỏ bé đi. Gương mặt từ bi, nụ cười khoan dung hầu như chẳng có gì thay đổi, sư cụ chậm rãi, cổ nhân đã dạy rằng, quý nhất là tấm lòng. Vật chất, tiền của trong sạch thì có bao nhiêu hòm công đức cũng chẳng thể chứa hết. Nhưng, nói thật lòng, tôi vẫn quý trọng những người đi lễ chùa mà chỉ có vài đồng tiền lẻ nhầu nát, vuốt phẳng phiu đặt lên ban thờ thành kính. Như mẹ ông ngày xưa thường làm, "Tâm xuất thì Phật biết".

Mỗi lần được vào chùa, được sư cụ tiếp chuyện, với tôi thời gian dường như trôi chậm hơn, đôi khi như dừng lại. Không biết ngoài kia người ta đang hối hả lo Tết, chạy đôn chạy đáo, sấp ngửa. Ðưa chân tôi ra đến cổng chùa, sư cụ nhẹ nhàng như giãi bày: "Tôi chủ tâm giữ chùa y nguyên như ngày xưa. Chỗ nào hỏng thì sửa, mối mọt thì thay gỗ mới. Nhưng nhất nhất không sơn son lòe loẹt hay tân trang như nhiều ngôi chùa khác. Dẫu có thế nào cũng là một mái chùa bình dị, dân dã, để những người bình dân, người nghèo như mẹ ông ngày xưa, có nơi lui tới mà chẳng cần mâm lễ đầy, rải tiền "giọt dầu" chảy tràn lan".