Hệ thống khoa cử nho học Việt Nam nói chung và dưới thời Lê nói riêng bao gồm ba cấp độ: thi Hương, thi Hội và thi Đình. Những người vượt qua kỳ thi Hương tại các địa phương (trấn/xứ) mới được vào dự kỳ thi Hội. Sau khi đỗ Trúng cách kỳ thi Hội tại kinh đô mới được vào dự kỳ thi Đình. Thi Đình (Đình thí) hay thi Điện (Điện thí) là kỳ thi cao nhất trong hệ thống khoa cử Nho học Việt Nam để chọn ra những người hiền tài bổ nhiệm các chức quan trong triều. Kỳ thi Đình được tổ chức tại sân Rồng điện Kính Thiên. Bài thi là bài văn sách trả lời các câu hỏi, vấn đề do vua đặt ra. Người đỗ kỳ thi Đình được phân thành ba cấp bậc: Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ còn gọi là “Tam khôi” (bao gồm: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa); Đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ (Hoàng giáp) và Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Triển lãm đã giới thiệu những hình ảnh, hiện vật cung cấp thông tin khái quát về khoa cử thời xưa, những nghi lễ, thủ tục, nội dung bài thi Đình... Bên cạnh đó, là các nghi thức dành cho những người đỗ đạt như: Lễ xướng danh yết bảng, lễ ban mũ áo, lễ tạ vinh quy.
Trưng bày chuyên đề: "Thi Đình thời Lê tại Hoàng thành Thăng Long - đỉnh cao khoa cử Nho học Việt Nam" mong muốn giúp công chúng trong và ngoài nước hiểu thêm về hệ thống khoa cử nho học Việt Nam cũng như truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt Nam thông qua những hình dung sinh động về kỳ thi Đình thời Lê từng diễn ra tại sân rồng Điện Kính Thiên - Kỳ thi đỉnh cao trong hệ thống khoa cử nho học Việt Nam.
Trưng bày diễn ra tại sân Rồng, điện Kính Thiên thuộc Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - nơi từng diễn ra các kỳ thi Đình dưới thời Lê từ nay đến hết ngày 1-7.