Gìn giữ nét văn hóa của cổng làng

Nhưng không hiếm những chiếc cổng mới dựng thô kệch không hợp với không gian, lại có những chiếc cổng sắt được dựng lên một thời gian trở nên hoen gỉ, nhếch nhác. Ðiều ấy khiến ta không thể không suy nghĩ đến cổng làng truyền thống Việt.

Làng cổ... mất cổng

Cự Ðà là một ngôi làng cổ thuộc diện đẹp nhất miền bắc. Trục chính của làng bám theo sông Nhuệ, từ trục này, các con ngõ tỏa đi. Mỗi ngõ có một cổng riêng. Hầu hết đều được xây từ những năm đầu thế kỷ 20. Nếu không vì con sông Nhuệ quá ô nhiễm, hẳn đây sẽ mau chóng thành một địa danh du lịch hấp dẫn, khi có mấy chục ngôi nhà cổ, biệt thự cổ. Nếu như trước kia, tất cả các xóm của Cự Ðà đều có một cổng, thì nay, ba cổng cổ đã bị phá đi. Ông Ðinh Ngọc Quý, Chi hội trưởng Chi Hội Người cao tuổi Cự Ðà, cho biết: "Làng có nghề làm miến, cánh trẻ chở miến thấy vướng quá, thế là phá mất. Gần đây nhìn chung mọi người có ý thức hơn, cổng cổ không bị phá nữa, nhưng nhiều cái lại bị vạc đi cột hai bên, cũng chỉ để đi lại cho tiện. Người già chúng tôi tiếc lắm, vì trên hai bên cột cổng, thường có những câu đối của các cụ để răn dạy con cháu. Giờ thì hầu như không còn đọc được câu đối nào cả". Nhưng so với nhiều địa phương, Cự Ðà vẫn còn may mắn, ý thức bảo tồn cổng cổ đã "sống lại" kịp thời nên phần lớn cổng cổ vẫn được bảo tồn.

"Nhà có nóc, làng có cổng", đó là câu ca dân gian từ xưa truyền lại. Cổng tồn tại như một phần tất yếu của ngôi làng truyền thống. Cổng làng trước hết đề phòng trộm cướp, địch họa, trong làng còn có các cổng ngõ, nếu có trộm cướp, chỉ cần đóng cổng, dân làng đốt đuốc lên là kẻ gian khó đường tẩu thoát. Từ chỗ được sử dụng cho những mục đích thiết thực của cuộc sống, cổng làng trở thành hình ảnh thân thuộc của mỗi người. Hà Nội có nhiều cổng làng đẹp. Theo thống kê của nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh, Hà Nội cũ có 109 chiếc cổng làng cổ, con số này hẳn còn thấp hơn thực tế. Khi Hà Nội - Hà Tây sáp nhập, con số đó tăng lên gấp nhiều lần, bởi khó có thể thống kê hết số cổng làng ở xứ Ðoài rộng lớn.

Thời gian gần đây, nhận thức của nhiều người đổi thay, hiếm gặp trường hợp cổng làng cổ bị phá hơn. Không những thế, nhiều địa phương dựng lại cổng làng sau khi cổng làng bị mất do thiên tai địch họa hay lý do nào đó. Ðặc biệt, nhiều ngôi làng được công nhận là làng văn hóa thường có xu hướng dựng cổng làng, rồi trưng biển "làng văn hóa" như một niềm tự hào. Song, đó chưa hẳn điều đáng mừng. Việc xây dựng diễn ra tự phát lại biến không ít cổng làng trở thành những chiếc cổng bê-tông nặng nề thô kệch, cũng không hiếm làng dựng bằng  thép, để rồi một thời gian ngắn, bị mưa nắng làm han gỉ, trở nên mất mỹ quan...

Thông điệp từ những chiếc cổng xưa cũ

Kiến trúc cổng làng xưa khá phong phú. Có làng dựng đơn giản chỉ là những cột trụ cuốn vòm. Làng có điều kiện kinh tế dựng cổng lớn, như một ngôi nhà để người qua đường có chỗ trú chân khi mưa, khi nắng. Có làng còn dựng gác mái, từ xa trông có dáng dấp những ngôi đình, ngôi chùa. Có làng dựng cổng chính, hai bên là hai lối đi nhỏ, gọi là tam quan. Vùng Hà Nội cũ, những làng cổ như Ðông Ngạc, làng Lủ... còn lưu giữ được nhiều cổng cổ. Xứ Ðoài còn nhiều cổng làng đẹp, hình ảnh cổng làng Ước Lễ, cổng làng Ðường Lâm..., từ lâu đã trở nên thân thuộc với nhiều người.

Nhưng đó mới là "phần xác". Hồn cốt của cái cổng làng, chính là những thông điệp tiền nhân gửi gắm. Hầu hết cổng làng cổ được người xưa cho tạo tác những bức đại tự. Những vùng đất giàu chữ nghĩa, các cụ còn cho đắp nổi hoặc viết những đôi câu đối hai bên cổng. Cổng làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai) được đắp nổi ba chữ lớn "Ước Lễ môn" (cổng làng Ước Lễ). Ước Lễ là triết lý của Nho giáo được dân làng tiếp nhận. Ước, Lễ là chữ dùng của Khổng Tử. Người khai sinh ra Nho giáo từng nói: "Bác học dĩ văn, ước chi dĩ lễ". Ý nói muốn học rộng thì phải dựa vào văn (tức văn hóa); học đã rộng rồi thì phải chế định (ước) bằng lễ. Ấy là điều cần thiết của người học rộng. Lấy Ước Lễ đặt tên làng là quan niệm trong cuộc sống phải luôn luôn giữ lễ. Cổng ở làng Phùng Xá (huyện Mỹ Ðức) thì lại đề cao lẽ sống trung thành, chính trực với hai chữ "Trung chính", hoặc có cổng đắp các chữ "Trực đạo hành", khuyên mọi người sống chính trực, như người quân tử đàng hoàng đi trên con đường thẳng. Làng Nhị Khê (huyện Thường Tín) có một cổng mà mới nhìn người ta đã thấy sự hiếu khách, đó là bốn chữ lớn "Như lễ đại tân". Chiếc cổng này được dựng gần đền thờ cụ Nguyễn Trãi, vốn bậc khai quốc công thần triều Lê sơ nên dân làng gọi là cổng Quốc. Người Nhị Khê còn truyền rằng, xưa cụ Lương Văn Can đi đến cổng này, thường xuống xe và đi bộ về nhà, như để tỏ lòng tôn kính với bậc tiền nhân.

Cổng làng đã vượt xa giới hạn của một vật bảo vệ cho dân làng. Ngoài sự thân quen khiến người dân đất Việt thường nghĩ đến cổng làng như một biểu tượng của làng quê, cổng làng truyền thống còn mang trong mình những thông điệp đầy tính nhân văn. Mỗi khi về làng, nhìn lên cổng, những dòng chữ đại tự khiến mỗi người như có trách nhiệm hơn trong gìn giữ truyền thống của làng mình. Nhiều người cho rằng, cổng làng cổ không thích hợp với tiến trình đô thị hóa. Nhưng hẳn những người này sẽ nghĩ lại nếu có thời gian ngắm những cổng cổ trên phố Thụy Khuê. Vùng đất này thuộc Kẻ Bưởi khi xưa, dù từ lâu đã trở thành nội thành, nhưng những chiếc cổng cổ vẫn được lưu giữ hài hòa với nét đô thị. Ðặc biệt, những mái ngói rêu phong của những chiếc cổng còn như một minh chứng cho một vùng đất cổ, có từ trước cả thời nhà Lý định đô ở đất Thăng Long.

Giờ hiếm cổng làng cổ bị phá đi, nhưng dựng cổng mới sao cho phù hợp truyền thống mà không quá lỗi thời là điều đáng quan tâm. Một trong những cổng làng thời hiện đại được nhiều người khen ngợi là cổng làng Ðại Từ (quận Hoàng Mai). Ðại Từ đã lên quận từ lâu, nhưng giữ truyền thống làng cổ, người dân cho dựng lại cổng làng năm 2002. Tên cổng đắp nổi bốn chữ quốc ngữ "Ðại Từ nghĩa dân" - vốn được một vị vua triều Nguyễn ban tặng làng vì làng có truyền thống quý người, nhận nhiều con nuôi. Hai bên cổng làng, người dân cho đắp đôi câu đối:

Chính nghĩa tự nghìn xưa với chữ vua ban càng rực sáng,
Ðại Từ thời đổi mới theo lời Bác dạy mãi vươn cao

Ðây là đôi câu đối nói về truyền thống của làng, đồng thời nhắc đến kỷ niệm Bác Hồ về thăm làng năm 1958. Xưa phương tiện giao thông nhỏ, các cụ không dựng cổng cao rộng, giờ phương tiện thay đổi, cổng làng Ðại Từ được dựng cao rộng cho các loại ô-tô lưu thông dễ dàng. Trước kia, các cụ thường đắp chữ bằng Hán tự, còn nay, người tinh thông Hán tự không nhiều, dân làng cho đắp chữ quốc ngữ để mọi người dễ đọc, dễ nhớ hơn. Cách khu đô thị mới Linh Ðàm không xa, lại nằm ở khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, nhưng cổng làng Ðại Từ của thời hiện đại vẫn hài hòa với không gian ấy, vẫn sừng sững đứng đó nhắc nhở đạo làm người như thủa nào. Có thể xem như một kinh nghiệm quý để các địa phương tham khảo.

Giang Nam