Giao mùa, nhiều người bệnh cao tuổi nhập viện vì bệnh quai bị

NDO -

Gần đây, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gặp không ít các trường hợp nhập viện vì quai bị. Đáng chú ý các trường hợp này đều là những người cao tuổi. 

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Thời điểm giao mùa là cơ hội thuận lợi cho các bệnh lây nhiễm phát triển như: Bệnh quai bị, bệnh tay chân miệng, bệnh cúm mùa,... Trong đó, có không ít trường hợp cao tuổi bị mắc quai bị. 

Bệnh nhân nam P.N.N (77 tuổi, sống ở Hà Nội) mắc bệnh quay bị và nhập viện vào ngày thứ hai của bệnh với biểu hiện sốt, đau đầu, đau nhức cơ. Bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn và sưng đau tuyến nước bọt mang tai một bên, có nổi vài hạch vùng góc hàm, ấn đau.

Bác sĩ Nguyễn Trí Thức, Khoa Bệnh lây tiêu hóa, cho biết, quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus quai bị gây nên, bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp, hay gây thành dịch ở trẻ em, thanh thiếu niên, ít gặp hơn ở người lớn, dịch thường xảy ra vào mùa đông-xuân.

Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Quai bị có thể gây nhiều biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm não-màng não, viêm tụy, điếc tai.

Điếc tai là một biến chứng hiếm gặp, gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống, điếc không hồi phục, thường là điếc một bên tai, hiếm gặp điếc cả hai tai. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ chữa khỏi bệnh nhanh chóng và hạn chế tối đa được các biến chứng ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.

Các y, bác sĩ của khoa cũng đã tư vấn cho bệnh nhân về chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng và cách phòng tránh bệnh quai bị. Đó là: Bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế vận động tối đa; Khi sốt cao dùng khăn ấm lau người, tuyệt đối không được tắm. Cần đeo khẩu trang trong giai đoạn bị bệnh và giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác tránh lây bệnh.

Người bệnh cần chú ý chế độ ăn uống như ăn lỏng, thức ăn dễ nuốt, tránh ăn các loại quả có múi và axit xitric (những loại quả này khiến cho triệu chứng của bệnh thêm trầm trọng). Nên bổ sung thêm rau xanh, dưa đỏ và xoài, tránh những thực phẩm chế biến nhiều dầu mỡ.

Bệnh nhân nên uống nhiều nước, thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng khoa phòng, tận dụng ánh sáng mặt trời. Không nên tự ý bôi, đắp các loại thuốc lên vùng bị sưng để tránh bị nhiễm độc.

Ngoài những công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân quai bị, các bác sĩ còn quan tâm đến công tác phòng bệnh, thường xuyên tư vấn cho bệnh nhân và người nhà cách phát hiện sớm bệnh nhân mắc quai bị tại cộng đồng, cần cách ly và điều trị kịp thời.

Theo các bác sĩ Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, bệnh quai bị không kể già trẻ mà bất kỳ ở lứa tuổi nào nếu chưa được tiêm phòng đều có nguy cơ mắc bệnh quai bị. Do vậy, cách để phòng bệnh quai bị tốt nhất đó chính là tiêm phòng vaccine. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để tạo cho cơ thể có đủ kháng thể đặc hiệu chống lại virus quai bị.