Tại buổi giao lưu, các điển hình tiên tiến đã trao đổi, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực. Tại vùng núi cao khó khăn, Bí thư Chi bộ Sùng A Lầu (dân tộc Mông), thôn Lũng Vài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang tích cực vận động đồng bào thay đổi phương thức canh tác lạc hậu tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Sau nhiều năm được đồng chí tận tình hướng dẫn, đến nay đồng bào Mông thôn Lũng Vài đã thành lập được tổ hợp tác trồng ngô lai hai vụ với diện tích hơn 40 ha; chăn nuôi hơn 500 con trâu, bò, lợn. Số hộ nghèo trong thôn từ 40 hộ giảm còn dưới 10 hộ. Cũng bình dị mà cao quý là tấm lòng thiện nguyện của nhà sư Thích Nữ Uyên Liên, trụ trì chùa Phổ Quang, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Với phương châm “Đạo pháp dân tộc chủ nghĩa xã hội”, sư cô kêu gọi cộng đồng phật tử chung tay chia sẻ khó khăn với người nghèo, trẻ em cơ nhỡ, người già neo đơn và đồng bào bị lũ lụt thiên tai; tiếp nhận, nuôi dưỡng các em có hoàn cảnh khó khăn. Đại diện cho đại biểu công nhân là đồng chí Lê Quốc Thanh (Xí nghiệp cơ khí Lộc Hiệp, Công ty cao-su Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), với những tìm tòi, nghiên cứu cải tiến mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Trong năm 2016, anh cùng đồng nghiệp nghiên cứu, đưa ra giải pháp cải tiến dây chuyền sản xuất mủ cốm tạp giảm bớt hai công đoạn đoạt giải trong cuộc thi Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ 10 - 2017.
Những việc làm của tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến có sức lan tỏa tích cực trong mọi tầng lớp nhân dân và góp phần đưa việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.