Giáo dục Việt Nam hội nhập và phát triển

Trong các văn kiện của Ðảng, các định hướng đổi mới giáo dục được xác định, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hội nhập quốc tế. Chiến lược phát triển giáo dục của Việt Nam đưa ra mục tiêu: tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới, phù hợp thực tiễn Việt Nam, phấn đấu đưa nền giáo dục của nước ta ra khỏi tình trạng lạc hậu so với các nước trong khu vực.

Chiến lược đề cao việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục như là một giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu khi xu thế toàn cầu hóa diễn ra trên khắp thế giới, Ðảng ta đưa ra phương châm hội nhập nhưng không hòa tan. Hội nhập nhưng cần giữ lại bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.

Vì vậy, việc xác định hội nhập cái gì, ai hội nhập và hội nhập như thế nào là những vấn đề đặc biệt quan trọng đối với giáo dục Việt Nam.

Trong lĩnh vực giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý và lãnh đạo giáo dục, các nhà khoa học và giáo viên phải là những người tiên phong trong vấn đề hội nhập quốc tế. Họ là những người xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối chiến lược phát triển giáo dục.

Nhận thức, tư duy và hành động của họ có ảnh hưởng quyết định đối với chất lượng của nền giáo dục nước nhà và tiến hành hội nhập. Ðể có thể hội nhập, đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo giáo dục và giáo viên phải có các tri thức và kỹ năng cần thiết mà đầu tiên là kỹ năng ngoại ngữ và tin học.

Hiện nay chưa có con số thống kê về số lượng thạc sĩ, tiến sĩ và các nhà  khoa học đầu ngành có khả năng sử dụng tiếng Anh và vi tính trong nghiên cứu và giảng dạy.

Nhiều mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển giáo dục đại học chưa được thực hiện, nhất là mục tiêu đào tạo sau đại học. Mục tiêu đào tạo sau đại học được xác định là đào tạo chuyên sâu, đào tạo người giỏi và bồi dưỡng nhân tài cho mọi lĩnh vực khoa học, do đó khi tuyển chọn đầu vào cần dựa trên năng lực người học, họ phải thông thạo ngoại ngữ và tin học trước khi tuyển vào.

Hiện nay, đầu vào của các khóa thạc sĩ và tiến sĩ còn nhiều bất cập. Ngoại ngữ và vi tính vẫn chiếm một thời lượng quá lớn trong chương trình đào tạo. Tuy nhiên, do không có cơ chế và không có những điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng nó. Nếu cán bộ quản lý và giáo viên, nhất là ở các trường đại học, ở các vụ chỉ đạo, các viện nghiên cứu buộc phải cập nhật những công trình nghiên cứu, chỉ đạo của mình và đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, đề bạt và nâng lương thì chắc chắn người ta sẽ chú tâm hơn đối với việc học và sử dụng ngoại ngữ.

Kỹ năng thực hành chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu khoa học rất quan trọng trong hợp tác nghiên cứu khoa học. Những kỹ năng này bao gồm: kỹ năng xây dựng một đề cương nghiên cứu theo tiêu chuẩn đặt ra của tổ chức tài trợ nghiên cứu khoa học nước ngoài, kỹ năng phát hiện những vấn đề nghiên cứu mới, kỹ năng khai thác và vận dụng kết quả nghiên cứu giáo dục và khoa học của các nhà khoa học thế giới, kỹ năng tài chính xây dựng các phiếu điều tra, thực hiện các phương pháp nghiên cứu...

Rất nhiều các tổ chức quốc tế khi tìm người làm việc địa phương đòi hỏi không chỉ kỹ năng ngoại ngữ, vi tính mà còn yêu cầu các kỹ năng giao tiếp cộng đồng, kỹ năng lập kế hoạch, xây dựng quản lý dự án...

Vì vậy, để hội nhập người Việt Nam cần có các kỹ năng sống và giao tiếp với cộng đồng và trong môi trường đa văn hóa. Những kỹ năng này cần được chú trọng đào tạo ngay từ những cấp học sớm nhất.

Muốn hội nhập cần có chiến lược hội nhập và hợp tác giáo dục quốc tế. Dự thảo đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam đưa ra vấn đề hội nhập quốc tế. Mục tiêu hợp tác và hội nhập quốc tế bao trùm lên mọi lĩnh vực của giáo dục từ nghiên cứu, đào tạo, tranh thủ các cơ hội để tăng cường cơ sở vật chất, nguồn tài chính đến việc làm giàu chất xám, xuất khẩu chất xám và tham gia các vấn đề giáo dục của toàn cầu.

Cũng giống như chiến lược quốc tế hóa giáo dục của các nước phát triển, Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu hội nhập và các phương thức thực hiện cho mình.

Trong chiến lược này cần làm nổi rõ khả năng và xác định các hành động cần tiến hành để hòa nhập vào các xu hướng giáo dục quốc tế. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, việc hội nhập phải xảy ra một cách đồng bộ từ mục tiêu đào tạo nhân cách đến cấu trúc hệ thống giáo dục, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, và hình thức quản lý...

Muốn làm được điều này, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu giáo dục, so sánh một cách toàn diện từ mầm non đến đại học về tất cả các phương diện cấu trúc hệ thống, mục tiêu, chương trình, phương pháp dạy học, công tác quản lý... để từ đó hoạch định chính sách và chiến lược hội nhập một cách phù hợp.

Mặt khác cần đẩy mạnh công tác dự báo, thấy rõ các  xu hướng phát triển của giáo dục trong tương lai để chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc hội nhập, tránh bị lạc hậu và tụt hậu.

Tuy nhiên, cần hội nhập một cách sáng tạo và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam. Các nội dung giáo dục âm nhạc dân tộc, truyền thống lịch sử Việt Nam, thiên nhiên con người, văn hóa Việt Nam trong chương trình giáo dục cần được thực hiện một cách nghiêm túc.

Ðể thực hiện được chiến lược hội nhập, vấn đề không kém phần quan trọng là bản thân hệ thống giáo dục Việt Nam cũng cần có những sự thay đổi. Trước hết cần đổi mới mục tiêu đào tạo nhân cách người học, nội dung và phương pháp dạy học theo hướng hội nhập. Tạo môi trường và tăng cường năng lực cạnh tranh bằng đa dạng hóa các loại hình trường lớp, thay đổi cơ chế đầu tư, cơ chế quản lý, cho phép các nhà trường nhiều quyền tự chủ, tự quản hơn trong lĩnh vực nhân sự, triển khai có hiệu quả các chỉ thị về phân cấp, phân quyền, tự quản về tài chính...

Bản thân hệ thống giáo dục tự mình phải nâng cao chất lượng và thông qua hội nhập để nâng chất lượng đào tạo nhân lực ngang tầm quốc tế.