Diễn đàn Chủ nhật

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong dịp hè

Mùa hè đến, các em học sinh đang chuẩn bị kết thúc năm học, bước vào kỳ nghỉ dài; việc chăm sóc và giáo dục trẻ em lại là mối quan tâm của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF), trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 7.000 trẻ em bị chết đuối, nhất là vào dịp hè. Mới chớm hè, nhưng nhiều nơi đã xảy ra tình trạng trẻ bị đuối nước do đi tắm sông, hồ như vừa qua ở Quảng Ngãi, một lúc chín em học sinh chết đuối rất thương tâm. Nghỉ học, trẻ em có điều kiện giao lưu bạn bè, đi chơi khắp nơi trong lúc tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra; các cửa hàng trò chơi điện tử mọc lên như nấm, hàng quán ăn vặt nhan nhản thực phẩm không an toàn; môi trường xã hội còn nhiều tệ nạn như cạm bẫy bủa vây. Tình trạng xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2011 đến 2015, cả nước xảy ra 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Nguyên nhân cũng bởi do bố mẹ bận đi làm, trẻ em ở nhà một mình hoặc đi lang thang, ở những nơi vắng vẻ cho nên bị kẻ xấu làm hại… Trước thực trạng đó, nhiều bậc cha mẹ muốn đóng cửa giữ con ở nhà hoặc bắt trẻ vùi đầu vào sách vở, đó là suy nghĩ và ứng xử rất có hại cho sự phát triển nhân cách của các em. Thực tế đó đòi hỏi cần phải có những biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em trong dịp hè có hiệu quả để vừa ngăn chặn được những tác động tiêu cực và tệ nạn xã hội, vừa tạo cho các em có những ngày hè thật vui tươi, bổ ích.

Thời gian nghỉ hè khá dài là cơ hội tốt để giáo dục toàn diện cho trẻ em, đặc biệt là kỹ năng sống. Trong khi học sinh Việt Nam chỉ cặm cụi với sách vở thì học sinh ở các nước tiên tiến thường xuyên được rèn luyện kỹ năng sống, hoạt động văn hóa, thể thao rất sôi nổi, tích cực tham gia công việc trong sinh hoạt hằng ngày; đó là cơ sở để xây dựng cuộc sống tự lập sau này. Từ lâu, chúng ta cũng đề ra phương châm giáo dục toàn diện với đức - trí - thể - mỹ, nhưng rèn luyện kỹ năng sống để thực hiện điều đó thì không được thường xuyên. Những ngày hè các em có thời gian ở với gia đình nhiều hơn, đó chính là lúc bố mẹ gần gũi, rèn luyện kỹ năng sống cho con cái từ cách giao tiếp, ứng xử đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình và mở rộng ra với hàng xóm, láng giềng; tự làm những công việc nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày như gấp chăn, màn, giặt giũ quần áo, dọn dẹp trang trí nhà cửa, bếp núc, nấu ăn… Thêm vào đó, là tạo điều kiện cho các em về quê thăm hỏi họ hàng, tìm hiểu cội nguồn, tổ tiên cũng như công việc đồng áng, cuộc sống thôn quê. Những gia đình có điều kiện cũng nên tổ chức đi du lịch, vừa gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình, cũng là dịp để các em mở rộng tầm mắt quan sát thiên nhiên và thực tế cuộc sống.

Việc giáo dục kỹ năng sống rất có hiệu quả khi các em sinh hoạt tập thể. Điều này cần sự quan tâm của chính quyền địa phương và các đoàn thể. Một số địa phương như Phú Thọ, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định… đã tổ chức tốt sinh hoạt hè cho thiếu nhi như liên hoan ca, múa, nhạc; phong trào đọc sách, kể chuyện sách; mở lớp dạy vẽ, đàn, hát… Đặc biệt, tỉnh Phú Thọ đã đào tạo được hàng trăm em biết hát Xoan, di sản văn hóa thế giới vùng đất Tổ. Một kỹ năng sống mà nhiều người cho rằng bắt buộc tất cả trẻ em cần phải có là biết bơi để có thể tự vệ, thoát khỏi mưa lũ, đuối nước như đã từng xảy ra. Nhiều xã ở đồng bằng sông Cửu Long cứ mỗi kỳ nghỉ hè là hàng chục trẻ em được học và biết bơi trong thời gian ngắn. Nhà văn hóa thiếu nhi TP Nam Định hằng năm tổ chức dạy bơi cho khoảng 400 trẻ em. Các bể bơi ở Hà Nội và một số thành phố lớn cũng nhộn nhịp trẻ em đến học. Rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ em đang được nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội quan tâm và triển khai, như Hội đồng đội T.Ư chú trọng giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho các em thông qua các chương trình "Học kỳ quân đội"; "Học kỳ công an"; học văn hóa giao thông; trại hè kỹ năng trải nghiệm để trưởng thành; học từ thiên nhiên, làng nghề, dân gian...

Thực tế, chúng ta còn thiếu địa điểm vui chơi giải trí; hình thức sinh hoạt cũng chưa phong phú, hấp dẫn. Nhưng những gì đang được các địa phương và đoàn thể khởi động cho mùa hè năm nay cùng sự góp công, góp sức của toàn xã hội đã mang đến hy vọng các em sẽ có một kỳ nghỉ hè vui tươi lành mạnh, tránh được những rủi ro đáng tiếc.