Giáo dục chính trị, tư tưởng trong trường học là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cho học sinh, sinh viên là một việc làm rất quan trọng, cần thiết, không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà cả về lâu dài. Do đó, các cơ sở giáo dục cần chú trọng giáo dục chính trị cho học sinh, sinh viên nhằm từng bước khơi dậy khát vọng cống hiến cho đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tìm hiểu thực tế tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
Học sinh tìm hiểu thực tế tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Xác định công tác chính trị, tư tưởng trong các cơ sở giáo dục là rất quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài, Thành phố Hồ Chí Minh đã dành nhiều sự quan tâm chỉ đạo để nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị đối với công tác này.

Còn nhiều lỗ hổng về lý tưởng sống

Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố có 58 cơ sở giáo dục đại học, gần 380 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hơn 2.340 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông chuyên biệt. Số lượng đảng viên trong các cơ sở giáo dục là 36.837 đảng viên; trong đó, đảng viên là sinh viên có gần 3.190 đảng viên, học sinh là 54 đảng viên.

Thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cấp ủy các trường học chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường giáo dục chính trị cho học sinh, sinh viên thông qua công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Ðảng trong học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội trong trường học, từng bước củng cố niềm tin, khơi dậy khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao bản lĩnh chính trị, truyền thống cách mạng, ý thức đạo đức, trách nhiệm công dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã có sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, có tác động rất tích cực đến học sinh, sinh viên. Ðiều này thể hiện qua việc học sinh, sinh viên được nghiên cứu tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh một cách bài bản, căn cơ hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, với sự tác động không nhỏ của các biểu hiện lệch lạc về đạo đức xã hội, nhận thức và thực hành về đạo đức cũng như lý tưởng sống của thanh niên; trong đó, có học sinh, sinh viên vẫn còn nhiều lỗ hổng. Bạo lực học đường có những diễn biến phức tạp với những mức độ ngày càng trầm trọng. Quan hệ thầy trò có dấu hiệu suy thoái, tinh thần “tôn sư trọng đạo” không được thể hiện rõ nét. Lối sống buông thả của một bộ phận thanh niên không chỉ gây ra mối lo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội mà còn là mối nguy ảnh hưởng đến sức khỏe... Những điều đó diễn ra từng ngày từng giờ; công luận, xã hội lên án nhưng biện pháp ngăn chặn thật sự hữu hiệu vẫn còn thiếu.

Khơi dậy khát vọng cống hiến tuổi trẻ

Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải, một số kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn còn mơ hồ về hướng đi và mục tiêu phấn đấu của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Với mặt trái của cơ chế thị trường, sự tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là mạng xã hội, nhận thức về chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống… của một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên bị tác động tiêu cực bởi những gì họ tiếp nhận được mà thiếu một “bộ lọc” cần thiết. Nếu không có sự định hướng tích cực, kịp thời, đúng mực, thì những biểu hiện đó sẽ tác động tiêu cực đến nhận thức, lý tưởng, tình cảm của sinh viên, học sinh đối với đất nước, cộng đồng, xã hội, gia đình.

Trong bối cảnh hiện nay, với sự tác động phong phú, đa chiều của các luồng thông tin, văn hóa, lối sống… thanh niên dễ có nhận thức lệch lạc về nhiều vấn đề của đất nước, của xã hội. Với tính thiết thực, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có vai trò rất tích cực đối với việc nâng cao lý tưởng và nhận thức của học sinh, sinh viên hiện nay. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ giúp các bạn trẻ nâng cao thế giới quan, nhân sinh quan mà còn có lý tưởng, nhận thức, lối sống phù hợp.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân của những biểu hiện tiêu cực trong học sinh, sinh viên hiện nay là do chúng ta chưa thật sự quan tâm đúng mức trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trước những tác động tiêu cực của xã hội. Ðể tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong các trường học, các cơ sở giáo dục cần xem công việc này là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên của mình.

Thạc sĩ Ðặng Thùy Khánh Vân, Trưởng ban Tuyên giáo Ðảng ủy Khối Ðại học, cao đẳng Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Giáo dục truyền thống cách mạng là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu trong việc hình thành nhân cách của thế hệ trẻ. Truyền thống được hiểu là những phong tục tập quán, lối sống văn hóa, cách ứng xử tốt đẹp của một cộng đồng được truyền từ đời này sang đời khác. Truyền thống luôn gắn với yếu tố văn hóa và trở thành những nét bản sắc đặc trưng của một dân tộc, những giá trị truyền thống này nhiều khi không hữu hình nhưng lại là cội nguồn của sức mạnh nội sinh của cả một cộng đồng, cả một dân tộc.