Không chỉ xuất hiện ở chợ, tại các thành phố lớn, hàng giả, hàng nhái còn tràn vào các cửa hàng, thậm chí là các trung tâm thương mại lớn. Với kỹ thuật làm giả, nhái tinh vi, những sản phẩm nhái giống hệt từ kiểu dáng đến nhãn hiệu...
Hàng nhái, hàng giả tràn lan
Mặc dù trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát để hạn chế tình trạng này, tuy nhiên theo khảo sát của Vinastas, có tới 62% người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái mà không biết.
Ðáng báo động là các sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá... lại bị làm giả nhiều nhất. Sữa đóng hộp là thí dụ điển hình. Ngoài cách đánh lừa người tiêu dùng phổ biến là nhái thương hiệu, dùng tên gần giống với tên của một sản phẩm sữa uy tín và đang bán chạy trên thị trường để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, loại sữa giả tinh vi hơn là "giả ruột". Sữa bên trong được "độn" bằng các nguyên liệu rẻ tiền như bột váng sữa (bột whey), lactose, hoặc sử dụng các nguyên liệu không đạt tiêu chuẩn, nguyên liệu cận hay quá đát, nguyên liệu dùng trong công nghiệp hoặc chăn nuôi... Người tiêu dùng, trong đó phần lớn là trẻ em khi sử dụng chắc chắn bị ảnh hưởng đến sức khỏe bởi công nghệ sản xuất sữa giả sử dụng nguyên liệu không bảo đảm, thường thiếu về trọng lượng, chất đạm, vitamin và khoáng chất, không đạt vệ sinh an toàn, đáng phải hủy hoặc xử lý lại nhưng vẫn được đưa ra thị trường như hàng chất lượng cao. Hay lợi dụng nhãn hiệu nước uống LaVie, Aquafina đang có uy tín, các sản phẩm với mẫu mã bao bì và lô-gô na ná xuất hiện nhan nhản. Nguy hiểm ở chỗ, các cơ sở làm nước đóng chai này chỉ dùng nước từ các nguồn thủy cục, nước giếng, thậm chí là giếng khoan lắng lọc rồi đóng chai. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2009, có gần 19 nghìn hộp bánh kẹo các loại bị kiểm tra và xử lý. Có vụ bắt được tới bốn tấn thực phẩm khô như táo, me, xí muội, bánh kẹo Trung Quốc đang được đánh tráo bao bì, giả mạo hàng Việt Nam để dễ tiêu thụ.
Nếu trước đây hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chỉ xuất hiện khi hàng thật khan hiếm, thì đến thời điểm hiện tại, loại hàng này đang được sản xuất đại trà để "ganh đua" thị phần với hàng thật bằng ưu thế giá rẻ và nhanh chóng thâm nhập vào thị trường, nhất là tại những vùng nông thôn. Ðể tiêu thụ được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, các cơ cở đều chọn hướng sản xuất ồ ạt rồi tung ra thị trường các loại hàng đã có thương hiệu, hoặc nhái lại kiểu dáng, nhãn mác, lô-gô sản phẩm rồi đem bán với giá rẻ, đánh vào thị hiếu của những người ít tiền, ham giá rẻ. Nếu như trước đây, hàng giả, hàng nhái chỉ xuất hiện sau khi sản phẩm chính hãng đã có thương hiệu và có sức tiêu thụ mạnh thì nay chỉ cần "đánh hơi" thấy sản phẩm chính hãng có mặt trên thị trường vừa được người tiêu dùng chú ý thì hàng giả, hàng nhái đã có mặt và trà trộn trên thị trường. Hơn nữa, tốc độ làm hàng giả, hàng nhái bây giờ nhanh hơn trước rất nhiều. Theo tính toán của các chuyên viên quản lý thị trường thì thời gian xuất hiện hàng nhái đã bị rút ngắn xuống chỉ còn một phần tám so với trước đây. Nghĩa là nếu như trước đây sau khi có hàng thật trên thị trường, phải mất ít nhất nửa năm đến tám tháng, hàng giả, hàng nhái mới có thể xuất hiện thì hiện nay, thời gian đó được rút ngắn xuống còn chưa đầy... một tháng loại hàng kém chất lượng này đã được "xuất xưởng", "góp mặt" trên thị trường.
Trong các loại hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường gần đây không chỉ do các cơ sở nhỏ lẻ trong nước sản xuất mà có một lượng lớn là hàng ngoại nhập. Trong đó, ngoài hàng nhập lậu, hàng tiểu ngạch còn có cả hàng đi bằng đường chính ngạch. Hàng giả, hàng nhái được tổ chức sản xuất với quy mô lớn từ nước ngoài rồi tìm cách đưa vào Việt Nam. Chẳng hạn như các sản phẩm Sunsilk, P/S, Dove, Clear, Pond's của Unilever Việt Nam; mỹ phẩm chăm sóc tóc Wella của Công ty TNHH Nam Ðạo đều bị làm giả từ nước ngoài đưa vào... Thậm chí, lượng hàng này còn nhiều hơn cả hàng thật, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi.
Mặc dù đến nay chưa có con số thống kê chính thức về lượng hàng giả, hàng nhái trên thị trường nhưng số vụ được phát hiện trong thời gian gần đây có xu hướng gia tăng, nhất là hàng giả, hàng nhái xâm phạm sở hữu công nghiệp. Theo số liệu từ Bộ Công thương, sáu tháng đầu năm 2010, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý gần 41 nghìn vụ vi phạm. Trong đó, sản xuất, buôn bán hàng giả là 9.224 vụ, chiếm khoảng 22% số trường hợp vi phạm. Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, trong bảy tháng đầu năm 2010 lực lượng QLTT thành phố đã phát hiện hơn 400 vụ vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, tăng hơn 100 vụ so với cùng kỳ năm 2009. Những số liệu trên cho thấy hàng giả, nhái nhãn hiệu đang thách thức các cơ quan quản lý, gây điêu đứng cho doanh nghiệp, làm hại người tiêu dùng ngày càng xảy ra nghiêm trọng hơn.
Tăng cường vai trò quản lý
Việc hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế, ảnh hưởng người tiêu dùng, mà còn làm thua thiệt cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, thất thu thuế cho Nhà nước. Vấn nạn này còn là rào cản đối với các doanh nghiệp trong việc nỗ lực tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu. Sự xuất hiện của hàng giả, hàng nhái trên thị trường cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất, đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính đến bờ thua lỗ, thậm chí phá sản.
Lý giải về nguyên nhân tồn tại hàng giả, hàng nhái nhiều năm nay, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là chế tài xử lý hành chính. Hiện có tới năm cơ quan hành chính có chức năng và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ gồm cơ quan quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành Khoa học - Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công an kinh tế, UBND các cấp cùng cơ quan hải quan kiểm soát hàng nhập khẩu. Lực lượng quản lý, kiểm tra này tuy đông nhưng không mạnh. Do hoạt động rời rạc, thiếu sự đồng bộ về chất lượng cũng như số lượng, chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan lại chồng chéo nên dù chịu sự kiểm tra của năm cơ quan hành chính nhưng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tràn ngập. Hơn nữa, trong hoạt động quản lý cũng còn nhiều bất cập. Có trường hợp hải quan ở cửa khẩu đã phát hiện các lô hàng giả, chất lượng kém nhưng không tịch thu ngay mà tạm thời cho thông quan, sau đó kiểm tra lại. Khi đã cho thông quan, hàng hóa tung ra thị trường rồi thì khó kiểm soát được, chỉ có người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi. Lâu nay chúng ta không chủ động kiểm tra chất lượng hàng ngoại nhập trên thị trường, mà cứ sau khi có thông tin mặt hàng nào không an toàn mới bắt tay vào làm. Như thế chắc chắn hiệu quả sẽ không cao và hàng hóa không an toàn vẫn đến tay người tiêu dùng.
Khâu giám định, tưởng như chỉ là một thủ tục song lại làm "tắc" không ít vụ xử lý hàng giả, hàng nhái. Phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường không khó vì chúng được bày bán khá công khai tại những nơi công cộng, nhiều loại chỉ cần nhìn mắt thường cũng biết là hàng giả, nhưng để khẳng định đó là hàng giả trước khi xử lý lại không dễ chút nào. Theo quy định của pháp luật, việc xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái thì bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Nhiều mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, chi phí giám định rất đắt, khi đưa đi giám định buộc lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu đúng là hàng giả thì phải tiêu hủy. Và cũng theo quy định thì chính đương sự vi phạm phải nộp khoản tiền giám định đó nhưng hầu như không có đương sự nào chịu nộp. Một cái khó nữa là muốn giám định hàng giả, hàng nhái, lực lượng quản lý phải có yêu cầu từ chủ sở hữu thương hiệu bị làm giả, làm nhái. Rất nhiều vụ vi phạm khi phát hiện, lại không thể giám định được vì hàng hóa có nguồn gốc từ các nước không đăng ký chất lượng tại Việt Nam, hàng hóa không có ai xác nhận là hàng giả vì không có cơ quan đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam. Chưa kể, không ít doanh nghiệp lại e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng vì liên quan đến việc làm giả nên khi được mời đến cơ quan chức năng để xác nhận hàng giả thì từ chối.
Hay, nguyên nhân quan trọng khác khiến cho tình trạng hàng nhái, hàng giả vẫn tràn lan là do chế tài chưa đủ mạnh, chưa có tính sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Mặc dù số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái những năm qua là rất nhiều, song số vụ bị xử phạt còn khá khiêm tốn cũng do cơ quan chức năng xử phạt còn quá nhẹ tay. Biện pháp xử phạt chưa đủ mạnh và thiếu tính răn đe nên có nhiều trường hợp xử phạt trên dưới 300 lần nhưng lần sau đến kiểm tra vẫn vi phạm bình thường. Chẳng hạn, những người sản xuất, buôn lậu rượu giả lãi hàng tỷ đồng, nhưng nếu phát hiện cũng chỉ phạt vài triệu đồng, nên chẳng ai sợ. Không ít người làm hàng giả, hàng nhái sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để thu lợi... Sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái tạo ra "siêu lợi nhuận" nên có sức hút, lôi kéo được nhiều đối tượng tham gia, kể cả những người lao động thuần túy. Trên thực tế, việc xử lý những doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng khó khăn hơn vì thủ đoạn của họ ngày càng tinh vi, phức tạp.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ sự phản ứng chậm của các cơ quan chức năng trước vấn nạn này và sự thờ ơ, thậm chí tiếp tay cho hàng giả của chính người tiêu dùng. Bên cạnh một số người mua lầm phải hàng giả do khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả thì vẫn có không ít người tiêu dùng biết mình đang mua bán hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chấp nhận. Với cách nghĩ ấy, hàng giả, hàng nhái đã dần dần được tiếp tay trong việc phân phối và tiêu thụ để rồi ngày càng chiếm thị phần.
Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên WTO và Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ tháng 6-2006. Ðây là lúc chúng ta cần phải kiên quyết hơn bao giờ hết, nhằm trả lại môi trường cạnh tranh lành mạnh cho những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính phát triển cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ðiều này cho thấy sự hợp tác của doanh nghiệp với cơ quan chức năng có vai trò rất lớn trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, một trong những biện pháp khác còn nằm ở chính người tiêu dùng. Bản thân họ phải tỉnh táo trước một rừng hàng hóa tốt - xấu lẫn lộn, lựa chọn những loại hàng có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Song cách bảo vệ an toàn nhất cho chính người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất chân chính vẫn là thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa cùng sự sáng tạo trong việc bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp. Khi thị trường tràn lan các hàng giả, sự kết hợp giữa các yếu tố tự bảo vệ mình của doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ làm giảm bớt và tránh được những rủi ro cũng như thiệt hại đáng tiếc, đặc biệt đối với sức khỏe hoặc tính mạng người sử dụng.