Thông tin được đưa ra tại lễ phát động Chiến dịch truyền thông quốc gia "Cho con về nhà an toàn" do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp UNICEF tại Việt Nam và UBND TP Hà Nội tổ chức sáng 9-12, tại Hà Nội.
Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng trước vấn đề an toàn đường bộ của trẻ em; đẩy mạnh những nỗ lực ngăn ngừa tử vong và thương tích ở trẻ em và thanh thiếu niên do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ - nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong trẻ em ở Việt Nam.
Học sinh Trường tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tại lễ phát động.
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết, cần đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách và cả cộng đồng để bảo đảm tăng cường nhận thức và chấp hành nghiêm túc các hành vi an toàn đường bộ cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng và đường bộ.
Trên thực tế, thương tích giao thông đường bộ ở trẻ có thể được phòng tránh thông qua việc nâng cao nhận thức và sự tuân thủ của cộng đồng đối với các quy tắc an toàn và luật giao thông đường bộ. Hiện nay, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ và giảm tốc độ khi đi vào những khu vực tập trung đông trẻ nhỏ như trường học, khu dân cư, việc thực hiện hành vi an toàn đường bộ được khuyến cáo thực hiện, đặc biệt ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi xảy ra 91% số vụ tai nạn và tử vong đường bộ trên thế giới. Việc đội mũ bảo hiểm có thể giúp giảm 40% nguy cơ tử vong và 70% nguy cơ bị thương nặng, và chỉ cần giảm 5% tốc độ trung bình có thể giảm tới 30% số vụ va chạm chết người.
“Hành vi của mỗi cá nhân trong chúng ta khi tham gia giao thông có thể góp phần ngăn chặn thương tích cho trẻ em trên đường. Vì vậy, chỉ cần giảm tốc độ, tuân thủ các giới hạn tốc độ quy định khi lái xe là những điều đầu tiên mà chúng ta có thể làm để cứu sống trẻ em và khiến giao thông đường bộ trở nên an toàn hơn cho tất cả mọi người”, bà Yoshimi Nishino, Quyền Phó trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam nhấn mạnh.
UNICEF kêu gọi chấp hành và thực hành nghiêm túc việc đội mũ bảo hiểm cho cả người lớn và trẻ em khi đi xe đạp hoặc trên xe máy; kêu gọi tất cả người điều khiển phương tiện giao thông giảm tốc độ khi đi trên đường và đặc biệt tại những khu vực tập trung đông trẻ em như gần trường học.
Các cơ quan có thẩm quyền được vận động đề ra quy định nhằm thực hiện việc duy trì tốc độ tối đa 30 km/giờ tại khu vực dân cư và trường học, nơi trẻ em, người đi bộ, người đi xe đạp và xe cơ giới dễ bị tổn thương nhất. Những hành động thiết thực khác bao gồm việc xây dựng và sửa đổi đường giao thông có các tính năng giới hạn tốc độ như đèn giao thông, vòng xuyến và các gờ giảm tốc.
Lễ phát động được tổ chức tại Trường tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với sự tham gia của hơn 1.500 học sinh, giáo viên và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành. Tại lễ phát động, các cơ quan chức năng và người tham dự đã ký thư ngỏ thể hiện cam kết thực hiện đội mũ bảo hiểu và giảm tốc độ vì sự an toàn của trẻ em.
Hằng năm, có khoảng 1,25 triệu người tử vong vì TNGT đường bộ trên toàn thế giới. Ngoài ra, có từ 20 đến 50 triệu người chịu thương tật, dẫn tới khuyết tật và gặp phải tình trạng kinh tế khó khăn vì thương tật do TNGT đường bộ gây ra những thiệt hại tài chính đáng kể cho các nạn nhân, gia đình và quốc gia. Mỗi ngày, trên thế giới, gần hai nghìn người thiệt mạng trong các vụ tai nạn đường bộ, trong số đó có 500 trẻ em. Cứ bốn phút có một trẻ tử vong trên đường. Hàng trăm trẻ bị thương, rất nhiều trẻ bị thương nghiêm trọng. 50% các ca tử vong rơi vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người đi bộ, người đi xe đạp và người đi xe máy. Tại Việt Nam, theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong năm 2016, TNGT đường bộ đã khiến gần chín nghìn người chết và hàng chục nghìn người bị thương. TNGT đường bộ là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong và thương tích nghiêm trọng ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi 0 đến 19, chỉ đứng sau tai nạn đuối nước. TNGT đường bộ cũng gây ra 50% ca tử vong của thanh thiếu niên trong độ tuổi 15 đến 19. |