Giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu ở Lai Châu

NDO -

NDĐT - Ngày 24-7, Đoàn Giám sát Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có buổi làm việc với tỉnh Lai Châu về tình hình thực hiện các Điều ước quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu.

Đoàn Giám sát Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm việc với tỉnh Lai Châu.
Đoàn Giám sát Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm việc với tỉnh Lai Châu.

Theo báo cáo của tỉnh Lai Châu, trong mấy năm gần đây, lũ quét, lũ ống và sạt lở đất đã làm ảnh hưởng nặng nề cho địa phương. Cụ thể, trong hai năm 2017 và 2018 có 40 người chết, hơn 3.000 nhà dân bị hư hỏng và sập đổ. Hàng trăm công trình thủy lợi, giao thông, công trình cấp nước, trường học và hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại gần 800 tỷ đồng. Trong khi đó, Lai Châu vẫn là tỉnh nghèo, nguồn lực tài chính đầu tư cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng các yêu cầu trong công tác cảnh báo, dự báo và ứng phó với sự cố môi trường, biến đổi khí hậu.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát yêu cầu tỉnh Lai Châu cần làm rõ một số vấn đề như: Đánh giá chính xác việc thực hiện các điều ước quốc tế trong vòng 10 năm qua. Chỉ ra nguyên nhân cốt lõi của sự phối hợp chưa đồng bộ giữa địa phương và các bộ liên quan. Nguồn lực tài chính để đầu tư cho công việc này như thế nào và cần những máy móc thiết bị gì để thực hiện. Việc xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn có tính toán đến sự biến đổi hệ sinh thái trong khu vực không. Tiến độ thực hiện dự án kè chống sạt lở khu dân cư ở huyện Nậm Nhùn như thế nào và có vướng mắc gì. Tỷ lệ rừng những năm gần đây tăng lên như thế nào so với tỷ lệ đô thị hóa…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị tỉnh Lai Châu tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách đã ban hành về lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu. Bởi, đây sẽ là cơ sở để sơ kết việc thực hiện Điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu.

Trong các mục tiêu ở lĩnh vực ứng phó với biến đổi cần ưu tiên các mục tiêu lớn, quan trọng để thực hiện theo cam kết. Cần đưa ra chương trình hành động để có kế hoạch cụ thể, đánh giá quá trình thực hiện, qua đó đề xuất kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cần tìm ra những yếu kém để rút kinh nghiệm, kiến nghị Chính phủ để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đặt ra, vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa góp phần bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân.