Giảm nghèo - nhìn từ vai trò dòng họ, già làng, trưởng bản

Đảng và Nhà nước ta xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Các già làng, người có uy tín, trưởng thôn, bản tại Thừa Thiên Huế.
Các già làng, người có uy tín, trưởng thôn, bản tại Thừa Thiên Huế.

Tại Thừa Thiên Huế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”, nhằm phát huy vai trò của dòng họ và các già làng, trưởng bản trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong toàn tỉnh.

Mục tiêu của cuộc vận động “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện vai trò, trách nhiệm của đội ngũ già làng, người có uy tín, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không chỉ tại hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới mà cả tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất, đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị đề ra.

Vai trò của già làng, trưởng bản

Những năm trước, đồng bào các dân tộc ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) nhà nào cũng có vườn rộng nhưng người dân vẫn sống trong cảnh khó khăn, luôn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cây cối trong vườn mọc um tùm mà chẳng đem lại giá trị kinh tế. Họ nuôi lợn theo kiểu “thả rông” hai, ba năm mới xuất chuồng mà con nào, con nấy cũng chỉ được vài chục cân. Trồng sắn, khoai chỉ biết cắm cây xuống đất, mặc cho ra sao thì ra. Thêm nữa, họ nghèo vì tập quán chi tiêu, nghèo vì nhiều hủ tục... trói buộc. Chính quyền địa phương đã nhiều lần phối hợp cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn bà con cách làm ăn, song không mấy hiệu quả. Người dân vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Đảng, Nhà nước. Cần phải có sự thay đổi vấn đề này bằng sự đột phá cả trong suy nghĩ lẫn hành động. Thoát nghèo đối với từng hộ gia đình không chỉ là ý chí mà phải tạo công ăn việc làm, xóa nhà tạm cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chị Hồ Thị Hợp, ở xã A Ngo (huyện A Lưới) kể: “Ðồng bào xưa nay chỉ biết trồng cây để cái vườn không cho con gà, con lợn đi rong chơi thôi. Nếu trồng lúa nước, trồng cao-su thế nào Giàng cũng phạt. Cán bộ nói mình nghe nhưng mình không hiểu hết, mình chưa tin, nên không muốn làm theo, sợ thất bại...”.

Thế nên, các già làng, trưởng bản, người có uy tín phải thật sự nêu gương trong từng việc làm cụ thể; tuyên truyền, động viên, nhắc nhở con cháu trong dòng họ, bản làng vươn lên trong cuộc sống.

Trong tâm thức của đồng bào các dân tộc miền núi, già làng vẫn là người có “cái miệng” của thần linh và biết nói cho con cháu nghe về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước bằng tiếng của dân tộc mình.

Ở bản Lê Triêng, xã Hồng Trung (huyện A Lưới), già làng Hồ Văn Hạnh, người có uy tín nhất trong cộng đồng dân tộc Pa Cô, cũng là đảng viên đầu tiên trồng thành công cây lúa nước và hướng dẫn dân bản nhiều cách làm hay để từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Già làng Hồ Văn Hạnh cho hay, để vận động, thuyết phục được bà con, bản thân người có uy tín phải “miệng nói, tay làm”, bởi bà con chỉ tin và làm theo khi thấy những việc làm thiết thực, hiệu quả.

Để làm tốt phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”, già Hạnh đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của các hộ nghèo; đồng thời thường xuyên nắm bắt những nguyện vọng, khó khăn của cộng đồng dân cư; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, khai thác thế mạnh từng dòng họ, bản làng để không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo bền vững.

Để bản làng không còn hộ nghèo

Mới đây, tại huyện miền núi A Lưới - nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của Thừa Thiên Huế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chọn, tổ chức lễ phát động cuộc vận động “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm của đội ngũ già làng, người có uy tín, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố của không chỉ A Lưới mà cả tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống mức thấp nhất, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để đạt mục tiêu này, trước hết, A Lưới phải hạ dần tỷ lệ hộ nghèo, thoát ra khỏi danh sách 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước.

Huyện A Lưới có khoảng 77% dân cư là đồng bào thuộc các dân tộc thiểu số; là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ trước đến nay, già làng, trưởng bản nơi đây luôn đóng vai trò, vị thế lớn đối với bà con. Bí thư Huyện ủy A Lưới, Huỳnh Công Quảng cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức gặp mặt, lắng nghe ý kiến đóng góp, chia sẻ cũng như tạo điều kiện để các già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội và công tác giảm nghèo tại địa phương.

Huyện phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới hơn 12%. Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, huyện A Lưới kêu gọi các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên toàn huyện tích cực vận động con cháu, người thân trong thôn, bản, các tầng lớp nhân dân có ý thức, khát vọng vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại cấp trên; đồng thời phát huy tốt hơn nữa vai trò “cầu nối” trong thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, thời gian qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực; nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giảm nghèo được nâng lên; nhiều ngành, địa phương đã có cách làm hay, phù hợp từng nhóm đối tượng; một số mô hình giảm nghèo được triển khai hiệu quả...

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn một số hạn chế như: tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của tỉnh tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với bình quân chung của toàn quốc (chiếm 4,93%). Một số mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu đề ra, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, giảm nghèo chưa thật sự bền vững, còn nguy cơ tái nghèo...

Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế vừa ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 21/10/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025. Theo đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đề ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2024 còn 2,2% và đến cuối năm 2025 còn 1,84%; cuối năm 2023 huyện A Lưới đủ điều kiện thoát khỏi huyện nghèo quốc gia.

Cuộc vận động “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” được phát động nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các dòng họ, dòng tộc, làng, bản, đặc biệt là vai trò của trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số gương mẫu, nòng cốt đi đầu trong thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, phát huy vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững của các hộ nghèo có điều kiện, sức lao động.

Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, thông qua phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy mong muốn chính quyền và nhân dân huyện biên giới miền núi A Lưới đoàn kết, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo bền vững một cách chủ động, tích cực và hiệu quả hơn; đồng thời sẽ lan tỏa phong trào ra khắp các địa bàn của tỉnh, góp phần đẩy mạnh phong trào xóa đói giảm nghèo đạt được những bước tiến rõ rệt.

Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền các địa phương và hệ thống chính trị trong tỉnh, nhất là ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới tăng cường công tác giám sát cộng đồng thông qua đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín phải thật sự nêu gương trong từng việc làm cụ thể; tuyên truyền, động viên, nhắc nhở con cháu trong dòng họ, bản làng vươn lên trong cuộc sống...

Cơ chế, chính sách, nguồn lực đã có, vấn đề ở đây là cách thực hiện và làm sao để thay đổi nhận thức của người dân trong giảm nghèo bền vững. “Cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị ở A Lưới nói riêng và cả tỉnh nói chung phải xác định tinh thần, các hộ nghèo có sức lao động phải nhất quyết thoát nghèo bền vững. Đội ngũ già làng, người có uy tín, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố sẽ mãi là nhịp cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân; tạo sự đoàn kết, sức mạnh, thay đổi nhận thức của bà con để vượt qua mọi khó khăn, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất”, đồng chí Phan Ngọc Thọ kỳ vọng.