Giải quyết dứt điểm kiến nghị của nhân dân tại Dự án Khu đô thị Lương Phong

Thời gian qua, bạn đọc ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) phản ánh việc địa phương triển khai các bước để thực hiện Dự án Khu đô thị Lương Phong có nhiều khúc mắc. Được biết, đây là một trong những dự án trọng điểm của huyện trong mục tiêu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tầm nhìn đến năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Khu đất người dân thôn Đông đã mua làm đất ở nhưng không được chuyển mục đích sử dụng.
Khu đất người dân thôn Đông đã mua làm đất ở nhưng không được chuyển mục đích sử dụng.

Huyện Hiệp Hòa có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế khi nằm giữa trục kinh tế động lực vùng Hà Nội-Bắc Ninh-Thái Nguyên-Bắc Giang. Chính vì vậy, bên cạnh việc lập dự án xây dựng một số khu, cụm công nghiệp thì lập dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, công nhân lao động trên địa bàn là điều tất yếu.

Tuy nhiên, trong khi các dự án khu, cụm công nghiệp có sự đồng thuận khá cao từ người dân thì dự án khu đô thị đầu tiên của huyện là Khu đô thị Lương Phong đã xuất hiện vướng mắc. Theo phản ánh của người dân, việc thu hồi 17,3 ha đất trồng lúa để xây dựng khu đô thị lúc này chưa phù hợp; chính quyền địa phương thiếu dân chủ khi lập quy hoạch mà không lấy ý kiến nhân dân; không giải quyết dứt điểm những vướng mắc về đất đai; tính toán phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Đáng chú ý là đối với diện tích đất chính quyền địa phương và cán bộ thôn đã bán cho người dân từ nhiều năm trước để làm đất ở nhưng không được chuyển đổi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Trình, người dân ở thôn Đông cho biết: Thời điểm năm 1993-1995, do cần tiền để xây dựng trạm điện cho nên chính quyền địa phương giao cho cán bộ thôn chia đất nông nghiệp ở ven đường để bán cho người dân làm nhà ở. Trong vòng 3 năm, cán bộ thôn Đông đã bán tổng cộng 329 lô đất ven Quốc lộ 37, với tổng diện tích 34.138m2.

Đến năm 2000, cơ quan chức năng kiểm tra đã kết luận việc cán bộ thôn bán đất là trái thẩm quyền và yêu cầu các hộ đã mua đất giữ nguyên hiện trạng. Thế nhưng, hầu hết người dân ở thôn Đông đã nộp tiền cho thôn để mua đất thì không được xem xét trả lại do số tiền này đã sử dụng để làm đường điện.

Hàng chục năm trôi qua, diện tích đất mà người dân mua để làm đất ở vẫn không được chuyển đổi cho dù diện tích đó đã có quy hoạch là khu dân cư vì không còn phù hợp để sản xuất nông nghiệp.

Do đó, khi UBND huyện Hiệp Hòa lập quy hoạch và tính toán phương án giải phóng mặt bằng xây dựng khu đô thị, toàn bộ diện tích chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng chỉ được tính toán bồi thường, hỗ trợ theo mức giá đất nông nghiệp.

Đây chính là điểm mấu chốt khiến cho người dân không đồng thuận. Ông Nguyễn Đại Dương, một người dân ở thôn Đông bức xúc cho biết: "Hàng trăm lô đất ven đường thuộc quy hoạch đất thị tứ, tức là đất ở đô thị từ lâu, nhưng chính quyền không chấp nhận yêu cầu chính đáng của người dân. Họ nói thời điểm hiện tại không chuyển đổi mục đích sử dụng được.

Những năm trước có chủ trương cho phép chuyển đổi thì chúng tôi nào có được biết. Còn đơn xin chuyển đổi chúng tôi đã làm từ những năm 1996, 1997 mà có ai xem xét đâu. Bây giờ hỏi thì cán bộ xã, thôn bảo đất của chúng tôi đã được quy hoạch, chỉ được bồi thường như đất nông nghiệp thôi…".

Trước những phản ánh của người dân về vấn đề khúc mắc trong việc lập quy hoạch Dự án Khu đô thị Lương Phong, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện và một số đơn vị liên quan của huyện Hiệp Hòa. Đồng chí Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Dự án Khu đô thị Lương Phong có tổng diện tích quy hoạch khoảng 17,3 ha, quy mô dân số khoảng 2.500 người nằm trên địa bàn thôn Đông và thôn Chùa, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa.

Về quy trình thực hiện, huyện bảo đảm đã làm đúng, đủ các bước. Hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị Lương Phong đã được đơn vị tư vấn chỉnh sửa, tiếp thu và hoàn thiện theo nội dung các lần tham gia ý kiến. Sau khi được Sở Xây dựng thẩm định 3 lần, đồ án đã được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-UBND ngày 19/5/2023.

"Cuộc họp liên quan đến việc lập quy hoạch khu đô thị tổ chức ngày 13/1/2021 tại UBND xã Lương Phong có đầy đủ thành phần, trong đó có mặt trưởng, phó thôn và đại diện các hộ dân có quyền lợi liên quan. Sau đó, huyện đã tổ chức niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, từ ngày 15/9/2022 đến ngày 15/10/2022. Các ý kiến đều đã được giải đáp hoặc chỉnh sửa, bổ sung vào đồ án. Về cơ bản, việc lập đồ án quy hoạch Khu đô thị Lương Phong, UBND huyện đã thực hiện đúng, đủ quy trình", ông Hoàng Công Bộ khẳng định.

Giải đáp những thắc mắc của người dân chung quanh việc trước kia cán bộ thôn Đông bán đất lấy tiền xây dựng trạm điện và chuyển mục đích sử dụng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hiệp Hòa Hoàng Văn Thái cho biết: 329 lô đất các hộ dân mua ở ven Quốc lộ 37 không có trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 nhưng có trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030.

Trong số này, có 66 lô đất được cấp Giấy chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) thành đất ở. Đây là quá trình địa phương thực hiện theo Quyết định số 191/2012/QĐ-UBND ngày 27/6/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang để hợp thức cho các hộ đã mua đất do thôn bán trái thẩm quyền từ những năm trước (hầu hết là đất nằm ở ven làng, khu dân cư, xen kẹt hoặc không đủ điều kiện để sản xuất nông nghiệp).

Thời điểm đó, huyện đã thông báo rộng rãi, công khai đến thôn và các cá nhân có quyền lợi liên quan. Sau đó Quyết định số 191/2012/QĐ-UBND được thay thế bằng Quyết định số 1271/QĐ-UBND ngày 28/8/2014 cho nên không thực hiện chuyển đổi nữa. Đồng thời, theo Luật Đất đai hiện hành, khu đất này không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận QSDĐ do đã quy hoạch khu đô thị và cụm công nghiệp.

Về 7 hộ được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ từ đất bán trái thẩm quyền, địa phương đã tổ chức họp, lấy ý kiến công khai của nhân dân. Đối với 1 hộ được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ từ đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 784/QĐ-UBND ngày 23/6/2023, thu hồi giấy đã cấp sai.

Trả lời về việc các hộ dân cho rằng không được thông tin để xét chuyển mục đích sử dụng đất, ông Đỗ Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Lương Phong cho biết: Đối với 329 trường hợp mua đất ven Quốc lộ 37 do cán bộ thôn bán trái thẩm quyền, xã không lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.

Lý do là căn cứ Quyết định số 21/QĐ-ĐC ngày 25/11/2000 của Giám đốc Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) về xử lý vi phạm Luật Đất đai tại xã Lương Phong; các thửa đất nêu trên là đất nông nghiệp, chưa làm nhà ở và không nằm trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020.

Để giải quyết dứt điểm những phản ánh, kiến nghị của nhân dân trong quá trình thực hiện các Dự án cụm công nghiệp và khu đô thị, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Hiệp Hòa kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có vi phạm; đồng thời, rà soát lại toàn bộ quá trình lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo Quyết định 191/2012/QĐ-UBND ngày 27/6/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh và Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ và xử lý nghiêm sai phạm.

Đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang