Giải pháp tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp ủy các cấp tại Bình Dương

NDO - Ngày 7/6, tại Bình Dương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp ở tỉnh Bình Dương hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng”.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo.

Chủ trì hội thảo có Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương.

Tỉnh Bình Dương hiện có 19.734 nữ/28.481 cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan Nhà nước; số lượng nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 là 502 nữ/1.645 cán bộ, đạt tỷ lệ 30,52%; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là nữ có 2 nữ/15 đồng chí, đạt tỷ lệ 13,33%; nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 có 880 đại biểu, đạt tỷ lệ 32%; Đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh Bình Dương có 2 nữ; có 54/101 Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt tỷ lệ 53,46%.

Giải pháp tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp ủy các cấp tại Bình Dương ảnh 1

Toàn cảnh hội thảo.

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Đến nay, tỉnh có 8.808 cán bộ, công chức, viên chức nữ cấp huyện trở lên có trình độ đại học; 10.296 cán bộ nữ có trình độ thạc sĩ và 818 cán bộ nữ có trình độ tiến sĩ, 1.689 cán bộ nữ có trình độ cao cấp lý luận chính trị và 7.398 cán bộ nữ có trình độ trung cấp lý luận chính trị.

Về quản lý Nhà nước, có 18 cán bộ nữ giữ ngạch chuyên viên cao cấp và 405 cán bộ nữ giữ ngạch chuyên viên chính.

Để thực hiện tốt công tác cán bộ nữ và tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách bảo đảm cơ cấu cán bộ nữ trong quy hoạch đạt và vượt tỷ lệ nữ đã được quy định; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo nữ đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ và năng lực để đưa vào quy hoạch nhằm phát huy vai trò cán bộ nữ trong cấp ủy, cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, doanh nghiệp…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Bình Dương là tỉnh có nhiều điểm sáng trong công tác cán bộ nữ trong khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Trong những năm qua, thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác cán bộ nữ, tỉnh Bình Dương đã triển khai có hiệu quả công tác cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi cũng lưu ý, hiện tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy và Hội đồng nhân dân các cấp còn thấp so với yêu cầu của Nghị quyết số 11-NQ/TW. Bên cạnh đó, việc triển khai Chỉ thị số 21-CT/TW ở một số nơi còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế…

Chính vì vậy, thông qua Hội thảo khoa học “Giải pháp tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp ở tỉnh Bình Dương hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng” sẽ góp phần đề xuất những giải pháp nhằm phát huy hơn nữa tầm quan trọng của việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong cấp ủy Đảng để bảo đảm tính đại diện và bình đẳng giới trong hệ thống chính trị, đóng góp của cán bộ nữ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của nước ta nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.

Tại hội thảo, nhiều học giả, nhà nghiên cứu và cán bộ từ các học viện, trường đại học và các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương trình bày các tham luận tập trung vào những vấn đề trọng tâm, như: Vai trò của phụ nữ trong công tác lãnh đạo và quản lý; Vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay; quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác phụ nữ trong thời kỳ đổi mới; kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị; nâng cao năng lực của phụ nữ trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia hiện nay...

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác cán bộ nữ, các đại biểu cũng đề nghị các cơ quan bộ, ngành Trung ương, đặc biệt Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật và chính sách gây bất bình đẳng đối với phụ nữ trong các lĩnh vực; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật…