XÂY DỰNG NỀN NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG SẢN XUấT HÀNG HÓA LỚN

Giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ cà-phê

Ngành cà-phê phấn đấu đến năm 2020 tăng tỷ lệ cà-phê hòa tan, rang xay và chế biến ước đạt từ 25 đến 30%, cho kim ngạch xuất khẩu đạt từ 3,8 đến 4,2 tỷ USD. Để đạt mục tiêu đề ra cần có chiến lược thị trường theo nguyên tắc sản xuất thứ thị trường cần và ưu tiên chuyển đổi cơ cấu sản phẩm ở phân khúc có giá trị gia tăng cao.

Người dân xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar (Đác Lắc) thu hoạch cà-phê. Ảnh: Dương Giang (TTXVN)
Người dân xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar (Đác Lắc) thu hoạch cà-phê. Ảnh: Dương Giang (TTXVN)

Khắc phục những bất cập

Theo Hiệp hội cà-phê - ca-cao Việt Nam, hiện cà-phê Việt đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà-phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ hai sau Bra-xin. Đặc biệt, việc mở rộng thị trường xuất khẩu cà-phê rang xay và hòa tan bước đầu đã đạt được kết quả đáng khích lệ, hiện đứng thứ năm về xuất khẩu cà-phê hòa tan, sau Bra-xin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Ấn Độ, chiếm 9,1% thị phần, mở ra triển vọng khi Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do.

Mặc dù ngành hàng cà-phê có bước phát triển nhanh trong một số năm gần đây cả về diện tích và sản lượng, song phần lớn lợi thế trên thị trường thuộc về các hãng nước ngoài có thương hiệu và tiềm lực tài chính mạnh. Mà nguyên nhân chủ yếu do trình độ quản trị doanh nghiệp, thương mại quốc tế của ngành cà-phê Việt Nam còn nhiều yếu kém, bất cập, đòi hỏi cần sớm khắc phục.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Hiệp hội cà-phê - ca-cao Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 150 doanh nghiệp xuất khẩu, cùng hơn 3.000 đại lý tham gia thu mua cà-phê, trong đó 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng chỉ một phần ba số doanh nghiệp có nhà máy chế biến cà-phê nhân xuất khẩu; 90% số các doanh nghiệp trong nước và 100% số các doanh nghiệp FDI mua cà-phê nhân thông qua thương lái và đại lý thu mua để xuất khẩu, cho nên chất lượng cà-phê xuất khẩu chưa cao, đồng thời thiếu sự liên kết trong đàm phán về giá dẫn đến bị ép giá hoặc phá giá xuất khẩu. Trong khi đó, năng lực quản trị của các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cà-phê còn chưa chuyên nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê Việt Nam bán hàng thông qua các đầu mối và doanh nghiệp nước ngoài mà chưa tiếp cận trực tiếp với các nhà rang xay cà-phê thế giới. Cộng thêm trình độ ngoại ngữ, kỹ thuật giao dịch thương mại quốc tế của đội ngũ làm công tác tiêu thụ, xuất khẩu cà-phê ở các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều yếu kém, bất cập. Ngoài ra, phải kể đến các yếu tố kìm hãm khác như: hạ tầng thương mại trong nước yếu kém, chậm hình thành các sàn giao dịch, đấu giá; hệ thống thông tin và phân tích giá cả thị trường chưa chuyên nghiệp, bị động và bị chi phối bởi những yếu tố ngoại quan.

Xây dựng chiến lược sản phẩm

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà-phê Việt, ngoài yếu tố kỹ thuật là phải đầu tư đổi mới công nghệ, cải thiện đáng kể khâu chế biến, thông qua việc chế biến sâu sản phẩm (cà-phê rang xay, cà-phê hòa tan và một số dạng cà-phê chế biến sâu khác như: cà-phê viên nén, cà-phê pha túi lọc, cà-phê khử cafein…) nhằm chuyển đổi căn bản từ cà-phê “đóng bao” sang “đóng túi”, thì dứt khoát phải xây dựng được chiến lược sản phẩm, theo nguyên tắc sản xuất sản phẩm thị trường cần, ưu tiên chuyển đổi cơ cấu sản phẩm tham gia thị trường ở phân khúc có giá trị gia tăng cao.

Theo đó, cần khảo sát nhu cầu của thị trường trên cả ba mặt: thị phần, thị hiếu và giá cả để định hướng sản phẩm. Xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm phù hợp (bao nhiêu % sản phẩm sơ chế; % sản phẩm tinh chế), từ đó xây dựng chiến lược ma-két-tinh phù hợp với năng lực tiềm tàng của các doanh nghiệp.

Trước mắt, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước, đây là nhiệm vụ có vai trò quan trọng làm chỗ dựa cho xuất khẩu. Hiện mức tiêu thụ các sản phẩm cà-phê chế biến trong nước còn thấp, khoảng dưới 10%, do đó cần phấn đấu đưa mức tiêu thụ lên mức 30% vào năm 2030. Muốn vậy, cần tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cổ vũ sử dụng cà-phê gắn với sức khỏe của người tiêu dùng. Khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến cà-phê hòa tan, rang xay... về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính để từng bước hình thành mạng lưới chế biến - tiêu thụ cà-phê trong nước. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại thông qua hoạt động Hội chợ Triển lãm, quảng bá tiêu dùng cà-phê chất lượng cao, sản phẩm đa dạng hướng đến đối tượng tiêu thụ trẻ.

Đối với thị trường xuất khẩu cần tổ chức nghiên cứu, phân tích và dự báo về nhu cầu, xu hướng tiêu thụ sản phẩm, biến động thị trường để xây dựng chiến lược phát triển theo hướng tăng dần xuất khẩu cà-phê hòa tan, cà-phê rang xay, giảm dần xuất khẩu cà-phê nhân xô, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 3,8 đến 4,2 tỷ USD vào năm 2020 và đạt kim ngạch xuất khẩu từ 5 đến 6 tỷ USD vào năm 2030. Để đạt mục tiêu đề ra, cần ưu tiên kinh phí từ nguồn hỗ trợ xúc tiến thương mại quốc gia để các doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê xúc tiến chương trình quảng bá sản phẩm sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, tiếp cận các nhà phân phối lớn, hệ thống siêu thị bán buôn, bán lẻ các sản phẩm cà-phê mang thương hiệu Việt Nam.

Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thông qua các hoạt động đào tạo về định dạng sản phẩm, cách thức tạo dựng và quảng bá thương hiệu. Đa dạng hóa thị trường, nhất là phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường “ngách” nhằm tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, trong đó quan tâm đặc biệt đến các thị trường Trung Quốc, EU và các nước tham gia hiệp định TPP, AEC, EEFTA. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần chủ động xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại thích hợp để đối phó tranh chấp, rào cản kỹ thuật về chất lượng, thuế bảo hộ sản phẩm chế biến... giúp sản phẩm cà-phê Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Tỷ trọng sản phẩm cà-phê chế biến sâu còn quá thấp, hạn chế khả năng cạnh tranh của cà-phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiện tỷ lệ cà-phê hòa tan, cà-phê rang xay của Việt Nam (quy nhân) mới đạt khoảng 10%. Điều này sẽ làm giảm đáng kể giá trị gia tăng của ngành cà-phê và mất cơ hội cạnh tranh, nhất là khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do.

(Theo Hiệp hội cà-phê - ca cao Việt Nam)