Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP giai đoạn 2019-2021 là khoảng 14%. Thị trường bất động sản có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành quan trọng khác của nền kinh tế và trở thành nhịp cầu nối cho các thị trường.
Tại Việt Nam, nguồn vốn thúc đẩy thị trường bất động sản đang dần phong phú hơn. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế trong cơ chế, chính sách và phương thức quản lý, điều tiết dòng vốn cho thị trường này. Doanh nghiệp vẫn phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng.
“Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng bất động sản như một giải pháp nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thị trường trở nên minh bạch, tránh xảy ra "bong bóng" bất động sản. Đây là việc cần thiết để lành mạnh hóa thị trường bất động sản, giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường địa ốc tăng “nóng” thời gian qua khi đa số các nhà đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, chủ trương siết tín dụng khiến người dân, nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng”, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng phân tích.
TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, phương châm cho phát triển các kênh đầu tư bất động sản là củng cố, lành mạnh hóa các kênh hiện hữu như tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và thúc đẩy mạnh hơn, gắn liền với lành mạnh hóa và giảm rủi ro các kênh mới hình thành và còn yếu như đầu tư qua các quỹ tín thác bất động sản (REIT).
Theo đại diện Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đối với các kênh như tín dụng và phát hành trái phiếu có thể siết chặt song không “dàn hàng ngang” mà tùy từng chủ thể phát hành cho vay, phân khúc thị trường để có sự điều tiết hữu hiệu. Các nhóm giải pháp cần có giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.
Bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, cho rằng chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng của nhiều doanh nghiệp, trong đó có bất động sản. Do vậy, cần phải có giải pháp cấp bách bảo vệ niềm tin của nhà đầu tư. Việc xử lý các hành vi vi phạm hình sự trong lĩnh vực chứng khoán để bảo đảm nghiêm minh pháp luật, tạo môi trường lành mạnh là cần thiết nhưng cũng cần chú trọng bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thời gian qua, doanh nghiệp bất động sản là nhóm dẫn đầu huy động vốn qua trái phiếu, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cơ quan quản lý cần phối hợp rà soát khả năng chi trả của các tổ chức phát hành, giúp bảo vệ niềm tin và giữ chân dòng vốn đầu tư trên thị trường trước khi có những biện pháp dài hạn khác.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia đồng tình với việc hoàn thiện thể chế theo hướng sửa Nghị định 153 và 156, rà soát Luật Chứng khoán (nhất là điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp), cần thiết có xếp hạng tín nhiệm, quy định phân nhóm các phân khúc bất động sản.