Giai đoạn tăng trưởng vượt bậc của ngành dừa

Với diện tích gần 200.000ha, ngành dừa Việt Nam đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại các tỉnh duyên hải miền trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu dừa chỉ đạt 180 triệu USD thì đến năm 2023 đã đạt hơn 900 triệu USD. Năm 2024, ngành dừa kỳ vọng vượt kim ngạch một tỷ USD, mở ra giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Ảnh: TIẾN ANH)
Ảnh minh họa. (Ảnh: TIẾN ANH)

Dừa hiện là một trong sáu cây công nghiệp chủ lực theo đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2030, hơn 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 30%.

Thị trường rộng mở

Giữa tháng 8/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho dừa tươi Việt Nam chinh phục thị trường tỷ dân. Thống kê cho thấy, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 4 tỷ quả dừa mỗi năm, trong đó có khoảng 2,6 tỷ quả tươi.

Nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế chính là dư địa cho dừa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường này. Năm 2024, xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc dự kiến đạt 250 triệu USD, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group Nguyễn Phong Phú cho biết: Trung Quốc là thị trường đông dân, với nhu cầu cao về các sản phẩm từ dừa, đặc biệt là dừa tươi, nước dừa, dầu dừa, và các sản phẩm chế biến từ dừa.

Về vị trí địa lý, Việt Nam có nhiều thuận lợi do gần Trung Quốc, có thể giảm chi phí và thời gian vận chuyển so với các quốc gia khác từ Đông Nam Á hay châu Phi. Các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm thuế và đẩy mạnh giao thương. Vina T&T Group đã xuất khẩu số lượng lớn dừa Việt Nam sang thị trường Mỹ, Australia, Canada…, và thời gian tới sẽ tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc. Hiện công ty có một mã số cơ sở đóng gói và ba mã số vùng trồng, bảo đảm xuất khẩu dừa vào Trung Quốc với số lượng lớn.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, Mỹ cũng là nước tiêu thụ chính các sản phẩm từ dừa, với nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm chế biến như nước dừa, dầu dừa và bột dừa. Mỹ nhập khẩu một lượng lớn dừa quanh năm để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trong tám tháng đầu năm 2024, Mỹ nhập khẩu dừa tươi, đã bóc vỏ hoặc chưa bóc vỏ đạt 44,91 nghìn tấn, trị giá 47,35 triệu USD, tăng 11,5% về lượng và tăng 18,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong tám tháng đầu năm 2024, Mỹ tăng mạnh nhập khẩu dừa từ Việt Nam, đưa thị phần dừa của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 0,76% trong tám tháng đầu năm 2023 lên 8,59% trong tám tháng đầu năm 2024.

Cùng tiến trình mở cửa thị trường, hoạt động logistics đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các sản phẩm dừa Việt Nam, nhất là dừa tươi tiếp cận nhanh chóng các thị trường trọng điểm. Ông Đặng Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mega A Logistics cho biết: Ngoài vận chuyển dừa xuất khẩu bằng đường bộ qua các cửa khẩu, thì vận chuyển đường biển đang cho hiệu quả kinh tế tốt nhất.

Thời gian qua, các chuỗi cấp lạnh như cơ sở bảo quản, container lạnh xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cũng được cải thiện, nâng cấp hơn. Đồng thời, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực logistics đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương để hạ giá logistics xuống mức thấp, góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm dừa. Theo đó, chi phí logistics (toàn thời gian) chỉ tiêu tốn khoảng 3.000 đồng/trái dừa nhưng các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được cơ quan kiểm dịch của Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra và thông quan nhanh trong chưa đầy 12 giờ.

Cạnh tranh bằng chất lượng

Hiện nay, ngoài Việt Nam, các nước như Thái Lan, Indonesia cũng xuất khẩu một khối lượng lớn dừa sang Trung Quốc với chất lượng cạnh tranh. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp vừa phải cải tiến sản phẩm, vừa phải giữ giá hợp lý. Đồng thời đa dạng sản phẩm giá trị gia tăng cao từ dừa như sữa dừa, kẹo dừa, và mỹ phẩm từ dừa.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết: Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước với hơn 80.000 ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước. Cây dừa được tỉnh xác định là cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập của hơn 200.000 hộ dân nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số với diện tích 8.391ha; 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc.

Bến Tre đã xây dựng được vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt hơn 20.781ha, tập trung phân bố đều trên địa bàn các huyện Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú và Ba Tri; hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ với tám doanh nghiệp lớn, có công nghệ hiện đại, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc... Mỗi năm, xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh Bến Tre hơn 350 triệu USD.

“Định hướng rõ việc cạnh tranh bằng chất lượng nên tỉnh luôn khuyến cáo các đơn vị sản xuất, đóng gói và xuất khẩu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình kiểm dịch thực vật tại nghị định thư và các quy định liên quan. Việc tuân thủ các quy định này không chỉ nhằm xuất khẩu sang Trung Quốc mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm dừa, mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường khác trên thế giới”, ông Đức nhấn mạnh.