Ô nhiễm từ các làng nghề truyền thống
Trong nhiều năm nay, thôn Mẫn Xá được xem là nỗi ám ảnh về nạn ô nhiễm môi trường tại xã nông thôn mới Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Theo phản ánh của người dân địa phương, ngày cũng như đêm, khói bụi và mùi hoá chất nồng nặc từ hàng trăm ống khói "ba không" (không có hệ thống xử lý khí thải, không có hệ thống quan trắc, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường), xả thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân đang sinh sống trên địa bàn và các vùng lân cận.
Chủ tịch UBND xã Mẫn Xá Nguyễn Hoàng Gia cho biết, làng nghề kinh doanh phế liệu, cô đúc nhôm, kim loại màu tại thôn Mẫn Xá chủ yếu có quy mô nhỏ, công nghệ thủ công, lạc hậu lại nằm xen kẽ trong khu dân cư. Đa phần khí thải, chất thải rắn (than lò, bã, xỉ) phát sinh từ các cơ sở sản xuất được thải trực tiếp ra môi trường, khối lượng tro, xỉ từ bã nhôm còn tồn động hiện nay khoảng 300 nghìn tấn.
Hiện thôn Mân Xá có hơn 300 hộ làm nghề cô đúc nhôm đồng, gần 200 hộ làm nghề thu mua phế liệu. Ngoài ra, toàn xã Văn Môn còn có hơn 500 hộ làm nghề mộc và chạm khắc mỹ nghệ hoạt động đã và đang tạo ra sức ép rất lớn về bài toán môi trường do thiếu quy hoạch về làng nghề, gây khó khăn trong xử lý chất thải. Đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nghiêm trọng về đường hô hấp cho người dân địa phương.
Khó khăn trong xử lý môi trường làng nghề cũng là thách thức cho xã Vạn Điểm, một trong những làng nghề mộc nổi tiếng của huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Mặc dù đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2014, nhưng môi trường của xã vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện, Vạn Điểm có hơn 70% các hộ trong xã làm nghề gỗ truyền thống. Điều đáng nói là nhiều hộ, cơ sở sản xuất làm ngay tại nhà, nên việc xử lý bụi trong quá trình sản xuất gặp khó khăn.
Theo anh Phùng Viết Hiện, người dân xã Vạn Điểm, môi trường của địa phương mới chỉ cơ bản đáp ứng tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Do đặc thù là làng nghề sản xuất gỗ truyền thống nên việc bụi gỗ, mùn cưa, nước thải trong quá sản xuất…tại các hộ gia đình phát tán ngoài không khí, kênh mương là không tránh khỏi. Chưa kể ngoài các hộ sản xuất, tại Vạn Điểm còn có các xưởng sản xuất trong khu dân cư thiếu các thiết bị bảo hộ lao động khiến nhiều người dân bị mắc các bệnh về mắt và đường hô hấp.
Chia sẻ về quá trình xử lý ô nhiêm môi trường tại các làng nghề truyền thống, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương, Nguyễn Minh Tiến cho biết, hiện mới chỉ có 423/1.926 làng nghề (chiếm 21,9%) có hệ thống xử lý chất thải, trong đó 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường và 20,9% số lượng làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp. Còn đến 54% tổng số hộ, cơ sở sản xuất trong làng nghề được đánh giá là có tác động xấu tới môi trường ở các cấp độ khác nhau gây ô nhiễm không khí, nước và đất.
Nỗ lực “xanh hóa”môi trường nông thôn
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng ở Văn Môn, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định số 478/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn với diện tích 26,54 ha. Đối với vấn đề xử lý chất thải rắn tồn đọng, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao UBND huyện Yên Phong thuê đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng tại Văn Môn.
Tại xã Vạn Điểm, để giải bài toán về môi trường, xã cũng đã giành 7,2 ha để lập khu sản xuất tập trung, đủ cho khoảng 300 hộ sản xuất. Xã đang có kế hoạch xin UBND huyện, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư thêm 17 ha để mở rộng khu sản xuất. Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm, Nguyễn Văn Khải, cho biết, hiện chính quyền địa phương đang kêu gọi các hộ sản xuất trên địa bạn đầu tư một số hệ thống máy hút bụi để lắp trong các xưởng sản xuất. Thời điểm hiện tại, xã đã có khoảng 50 máy hút bụi với có thể hút từ 70 đến 80% lượng bụi gỗ trong quá trình sản xuất...
Ngoài những nỗ lực từ địa phương, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đã có nhiều chính sách, giải pháp quyết liệt và cụ thể trong bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.
Mới đây, trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới đã xây dựng riêng một tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm với các chỉ tiêu khá toàn diện về bảo đảm môi trường sống và an toàn thực phẩm ở nông thôn. Bên cạnh đó là Đề án bảo vệ môi trường nông thôn, các phong trào xây dựng nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp cũng đã được tổ chức triển khai đồng bộ ở các địa phương trên cả nước. Đồng thời, công tác hậu kiểm về môi trường xã nông thôn mới cũng đã được Văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương đẩy mạnh.
Cụ thể: tăng cường công tác hậu kiểm (định kỳ kiểm tra, giám sát lại kết quả thực hiện sau khi được công nhận đạt chuẩn); tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tham mưu để ban hành quy định về thu hồi các quyết định công nhận đạt chuẩn đối với các địa phương không duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới…
Chính vì vậy, để giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu một cách thực chất, sự nỗ lực và quyết tâm của chính quyền và hệ thống chính trị các cấp không chỉ được xem là động lực, mà còn là sự nỗ lực và trách nhiệm của từng người dân, hộ gia đình và cộng đồng nông thôn, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới nói chung và bảo vệ môi trường nông thôn mới nói riêng.
Do đó, việc cần làm ngay trước mắt bên cạnh sự ưu tiên chính sách, chính là đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gắn trách nhiệm cá nhân, cơ sở sản xuất với sự phát triển môi trường xanh – sạch - đẹp, đây chính là chìa khóa để giải bài toán môi trường nông thôn mới hiện nay.
Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương, cả nước hiện có hơn 70% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý bằng hình thức chôn lấp với 904 bãi chôn lấp chất thải rắn hoặc tập kết chất thải cấp xã (hầu hết trên địa bàn nông thôn), trong đó gần 80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; 381 lò đốt (hầu hết không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường), 37 dây chuyền sản xuất phân hữu cơ. Đây là những con số cho thấy năng lực xử lý chất thải còn quá thấp so với nhu cầu xả thải đang ngày một lớn hiện nay nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói riêng.