Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Long An Hà Văn Thiệp cho biết: Qua 35 năm (1982 - 2017) tập trung thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sinh hoạt nông thôn”, Long An hiện có 94,6% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế đang là nhu cầu cấp thiết nhất đối với cư dân vùng nông thôn của tỉnh. Bởi thực tế hơn 1.507 trạm cấp nước nông thôn được các tổ chức phi chính phủ tài trợ và các giếng khoan do nhân dân cùng đầu tư từ năm 1982 đến nay chưa đáp ứng được nhu cầu nước sạch đạt quy chuẩn.
Nguyên nhân là 97% số trạm cấp nước nêu trên, tỉnh đã giao cho cộng đồng và tư nhân quản lý vận hành và khai thác nhưng lại thiếu sự kiểm tra, giám sát, dẫn đến phát sinh nhiều bất cập, yếu kém. Cụ thể, các công trình cấp nước giao cho cộng đồng dân cư, UBND xã quản lý đang xuống cấp trầm trọng, do công nghệ lạc hậu, dẫn đến chất lượng nước không đạt quy chuẩn, lượng nước cung cấp không đủ theo tiêu chuẩn tối thiểu cho người dân sinh hoạt hằng ngày... Ở hầu hết các trạm cấp nước tại các vùng nông thôn tỉnh Long An đều thiếu công đoạn khử trùng nước theo quy định, vì thế, chất lượng nước cấp đến từng hộ dân chỉ đạt tiêu chí “nước hợp vệ sinh”. Mặt khác, người dân chưa có ý thức sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước ngầm, nhiều hộ khai thác và sử dụng nước ngoài mục đích sinh hoạt, dẫn đến tình trạng cạn kiệt nhanh và thay đổi một số chỉ tiêu chất lượng nguồn tài nguyên quý giá này so với 20 năm trước. Thậm chí, nhiều vùng nông thôn của tỉnh Long An, người dân phải chịu cảnh sử dụng nước nhiễm phèn, mặn với mức giá 10 nghìn đồng/m3, cao hơn 3.100 đồng/m3 nước sạch đạt quy chuẩn tại thành phố Tân An, do Công ty cổ phần Cấp thoát nước Long An cung cấp.
Ông Nguyễn Hữu Lợi, ở ấp Chợ, xã Long Hựu Ðông (Cần Ðước, Long An) cho biết: Trạm cấp nước đặt tại ấp Chợ do tư nhân đầu tư, từ lâu đã bị nhiễm phèn, mặn nhưng vì không còn nguồn nước sinh hoạt nào khác cho nên chúng tôi phải chấp nhận mua với giá 10 nghìn đồng/m3 để tắm, giặt. Nước trữ để qua một hai đêm là phèn đóng vàng đáy thùng khiến người dân không ai dám sử dụng vào ăn và uống. Người dân các xã giáp biển thuộc hai huyện Cần Ðước và Cần Giuộc vốn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thì nay lại càng khó khăn. Ðể có nước sạch cho sinh hoạt hằng ngày, họ phải "bấm bụng" mua nước lọc loại 20 lít/thùng với giá 10 nghìn đồng/thùng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Ðước Nguyễn Hồng Chương cho biết: Cần Ðước là một trong những địa phương gặp khó khăn về nước sinh hoạt nông thôn, còn nước sạch đạt quy chuẩn lại càng khan hiếm. Toàn huyện có hai nghìn hộ dân sống ở các xã ven sông Vàm Cỏ không có nước ngọt để dùng khi bước vào cao điểm mùa khô, mùa xâm nhập mặn. Trong hai năm 2016 và 2017, tỉnh đã phân bổ vốn đầu tư cho nước sạch, huyện tranh thủ được các nguồn vốn tài trợ và kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư nước sạch. Hiện đã có công trình đưa vào khai thác, một số đang thi công và đến cuối năm 2018 đưa vào vận hành khi đó sẽ giúp cho hơn 10 nghìn hộ được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.
Theo khảo sát của ngành chức năng, hiện Long An chỉ có hơn 20% số hộ dân nông thôn đang sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Ðể giải bài toán nâng cao chất lượng nước đạt quy chuẩn cho các vùng nông thôn trên địa bàn, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 98% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế là 45%. Như vậy, mục tiêu phấn đấu của Long An đến năm 2020 là giải quyết thêm 25% số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Tuy nhiên, theo tính toán của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Long An, để đầu tư một công trình cấp nước tập trung đạt quy chuẩn của Bộ Y tế, phục vụ cho khoảng một nghìn hộ, vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng/công trình. Nếu như đầu tư đồng bộ 168 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, cần một nguồn vốn rất lớn, vượt tầm ngân sách của tỉnh. Do đó, nhằm đạt được mục tiêu đề ra, ngoài việc tăng cường, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cơ sở cấp nước nông thôn trên địa bàn thực hiện không đúng chế độ kiểm soát chất lượng nước, cung cấp nước không đạt quy chuẩn của Bộ Y tế, tránh lãng phí nguồn tài nguyên nước, tỉnh tập trung đẩy mạnh việc phân bổ vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn theo hướng hiện đại. Theo đó, trong hai năm 2016 và 2017, từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã phân bổ nguồn vốn hơn 60 tỷ đồng để đầu tư xây mới hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn đạt quy chuẩn. Trước mắt, ưu tiên xây dựng các công trình cấp nước để giải cơn “khát” nghiêm trọng của cư dân các xã thuộc hai huyện giáp biển là Cần Ðước và Cần Giuộc, sau đó sẽ cân đối và ưu tiên nguồn vốn đầu tư đồng bộ việc cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Long An, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng lớn, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền đã làm cho hai huyện Cần Ðước và Cần Giuộc thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, người dân phải mua nước ngọt từ các sà-lan với giá cao hoặc trông chờ vào các xe cấp nước miễn phí từ các đơn vị hỗ trợ. Ðể giải ngay bài toán nước sạch đạt quy chuẩn cho hai địa phương này, tỉnh đã phân bổ nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước đầu tư ngay các công trình cấp nước, đồng thời kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các công trình cấp nước đạt quy chuẩn. Hiện nay, các công trình cấp nước đang được đẩy nhanh tiến độ và dự kiến đến cuối năm 2018, cư dân hai huyện sẽ có nước sạch đạt quy chuẩn sử dụng. Tỉnh tiếp tục kêu gọi sự tham gia của các thành phần kinh tế, đồng thời, tranh thủ nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ, sự hỗ trợ của Trung ương để đến năm 2020, Long An đạt được mục tiêu đề ra, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo trong việc cung cấp đầy đủ, kịp thời nước sinh hoạt hợp vệ sinh và nước sạch đạt quy chuẩn để phục vụ người dân nông thôn.