Trong khi đó, đây là bệnh viện hạng 1 và tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là dịch Covid-19, khiến bệnh viện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, từ năm 2019 đến nay, đã có 63 cán bộ, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh… công tác tại bệnh viện xin nghỉ việc. Trong đó có 35 bác sĩ gồm 1 trưởng khoa, 1 phó khoa, 2 dược sĩ và 26 điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh, trong đó có 1 trưởng phòng.
Đáng chú ý là ngày 27/10/2021, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk Bạch Văn Mạnh đã ký Quyết định số 498/QĐ-SNV đồng ý cho bác sĩ Võ Minh Thành, sinh năm 1966, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên được nghỉ thôi việc từ ngày 1/12/2021. Tuy nhiên, tại quyết định này không ghi lý do cho bác sĩ Võ Minh Thành được nghỉ thôi việc.
Theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, bác sĩ Võ Minh Thành có trình độ chuyên môn là chuyên khoa II ngoại khoa, công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk nay là Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên từ năm 1992 đến nay và được bổ nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện từ năm 2016.
Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên là bệnh viện hạng 1, hiện có 1.400 giường bệnh. Theo quy định của Bộ Y tế đối với bệnh viện hạng 1, tỷ lệ nhân lực mỗi giường bệnh là từ 2 đến 2,5 người. Như vậy, nếu thực hiện đúng và đủ theo quy định này thì tổng số cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên… của Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên là khoảng 3.500 người. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên chỉ có 1.390 cán bộ, y, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, nhân viên… trong đó có 340 bác sĩ.
Như vậy, hiện nay, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên không chỉ thiếu đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ… phục vụ công tác khám, điều trị bệnh cho người dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh trong khu vực nói chung mà nhiều cán bộ, y, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng… còn xin nghỉ việc, khiến nguồn nhân lực của bệnh viện vốn đã thiếu nay càng thiếu nghiêm trọng hơn, nhất là các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, đẩy bệnh viện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, để đào tạo một bác sĩ làm việc được thì phải mất 10 năm, trong đó có 6 đến 7 năm học trong trường đại học, sau khi được tuyển dụng vào bệnh viện phải trải qua 18 tháng học chứng chỉ hành nghề, sau đó theo học chuyên khoa I thêm 2 năm nữa mới làm việc được. Còn để có kinh nghiệm thì phải mất thêm 10 năm nữa.
Về nguyên nhân hàng loạt cán bộ, y, bác sĩ… xin nghỉ việc, theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, từ năm 2018 đến nay, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên thực hiện tự chủ tài chính ở mức 2 nên gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn trước đây khi chưa thực hiện tự chủ tài chính, mỗi năm mỗi giường bệnh được ngân sách cấp 75 triệu đồng, như vậy bệnh viện có 1.400 giường bệnh thì mỗi năm được cấp 105 tỷ đồng. Còn kể từ khi thực hiện tự chủ tài chính ở mức 2 đến nay thì khoản kinh phí này không được cấp nữa. Ngoài ra, nhiều dịch vụ xã hội hóa tại bệnh viện không được thực hiện.
Bên cạnh đó, do bệnh viện thiếu đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên… nên áp lực công việc là rất lớn. Nhưng các chế độ đối với cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên làm việc tại bệnh viện đều thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk những năm gần đây có nhiều bệnh viện tư nhân được thành lập, hiện có một bệnh viện đang chuẩn bị đi vào hoạt động. Có thể, các bệnh viện tư nhân có nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ hấp dẫn hơn nên các cán bộ, y, bác sĩ công tác tại các bệnh viện công lập xin nghỉ việc để chuyển sang các bệnh viện này công tác.
Tuy nhiên, điều bất cập ở đây là các quy định hiện hành chưa có quy định ràng buộc đối với đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế phải công tác lâu dài trong các bệnh viện công lập. Vì vậy, hiện nay đang xảy ra tình trạng chảy máu chất xám ở các bệnh viện công lập. Bởi các bệnh viện công lập đều phải tuyển dụng các bác sĩ mới ra trường vào làm việc và sau một quá trình làm việc, bỏ kinh phí ra đào tạo, bồi dưỡng, nhưng khi các bệnh viện tư nhân được thành lập, họ sẵn sàng chi trả chế độ cao hơn thì các bác sĩ, nhân viên y tế công tác trong các bệnh viện công lập không ngần ngại xin nghỉ việc để chuyển sang bệnh viện tư nhân làm việc; thậm chí họ sẵn sàng bồi thường khoản kinh phí mà bệnh viện công lập đã đầu tư cho họ trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao.
Thực trạng này đang là nỗi lo lắng của lãnh đạo Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, đòi hỏi ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk cần có giải pháp kịp thời để giữ chân đội ngũ cán bộ y tế, nhất là các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao ở lại làm việc tại bệnh viện lớn nhất khu vực Tây Nguyên này, để phát huy hết cơ sở vật chất và các trang thiết bị vật tư y tế hiện đại mà Nhà nước đã đầu tư vào đây cũng như đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân của trung tâm y tế lớn khu vực Tây Nguyên.