Giải bài toán giao thông ở quận Hoàn Kiếm

Là quận trung tâm của Thủ đô, Hoàn Kiếm là địa bàn phải chịu áp lực rất lớn về hạ tầng giao thông, do mật độ người và phương tiện tham gia giao thông quá đông. Ðể bảo đảm trật tự giao thông và giữ gìn vẻ đẹp cảnh quan của khu vực trung tâm này đòi hỏi phải có quyết sách căn bản, giải pháp tổng thể, dài hơi.

Ðiểm trông giữ xe máy trên phố Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NGỌC MAI
Ðiểm trông giữ xe máy trên phố Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NGỌC MAI

Không chỉ có mật độ dân số đông, quận Hoàn Kiếm còn là trung tâm hành chính của Thủ đô với một mạng lưới dày đặc các cơ quan, công sở. Trên địa bàn còn có rất nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa... Vì vậy, áp lực đối với hệ thống hạ tầng giao thông là rất lớn.

Các tuyến giao thông chính như: Phố Huế, Hàng Bài, Bà Triệu, Hàng Ngang, Hàng Ðào, Ðồng Xuân và các phố nhỏ trong khu phố cổ... thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải phương tiện. Với việc tổ chức các cặp tuyến phố một chiều, giao thông được bảo đảm tốt hơn, nhưng số lượng phương tiện vẫn rất lớn, nhất là vào những ngày lễ, Tết. Trong số những vấn đề về giao thông trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, giao thông tĩnh là vấn đề nan giải nhất. Như trên đã nói, hệ thống các cơ quan, công sở của thành phố, các trung tâm thương mại như chợ Ðồng Xuân, Tràng Tiền Plaza, các nhà hàng, khách sạn, các bệnh viện Việt - Ðức, Phụ sản Trung ương, K, các hộ kinh doanh trên các tuyến phố... hằng ngày có rất đông người từ các nơi đổ về, khiến nhu cầu về việc dừng đỗ, trông giữ phương tiện tại các khu vực này tăng cao. Trong khi đó, hầu hết các tuyến phố đều có mặt cắt nhỏ hẹp, nhiều phố không có vỉa hè; quỹ đất dành cho giao thông, đất trống, đất lưu không... đều rất thiếu.

Mới đây, để lập lại trật tự giao thông trên địa bàn, thành phố đã quyết định cấm tổ chức trông giữ phương tiện tại 262 tuyến phố chính, có mật độ xe lưu thông cao. Riêng quận Hoàn Kiếm có 76 tuyến phố nằm trong danh mục cấm, trong đó 57 tuyến cấm tổ chức trông giữ xe cả lòng đường, vỉa hè. Những ngày qua, lực lượng liên ngành đã triển khai thu hồi giấy phép trông giữ phương tiện tại 55 điểm; kiên quyết xử lý tất cả các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, dừng đỗ trái phép và bố trí lực lượng tuần tra, chốt giữ chống tái lấn chiếm. Lòng đường, vỉa hè trở lại thông thoáng, song sinh hoạt và đời sống của nhân dân, cũng như những điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn quận bị ảnh hưởng đáng kể. Hoạt động thương mại trên địa bàn trầm lắng hơn, do khó khăn về chỗ để xe phục vụ hành khách; tình trạng phương tiện dừng đỗ sai quy định, ảnh hưởng tới giao thông gia tăng và có những biểu hiện phức tạp... Quận Hoàn Kiếm lại rơi vào tình trạng lúng túng về bố trí các điểm giao thông tĩnh. Ðiểm trông giữ xe tại khu vực Bưu điện Bờ Hồ hằng ngày đón lượng khách khá đông, nhưng khi giải tỏa, do không có chỗ trông giữ thay thế, dẫn đến tình trạng nhiều người dân gặp khó khăn khi giao dịch, phải dừng đỗ phương tiện bừa bãi dưới lòng đường. Các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Ðào, Ðồng Xuân, trước đây được bố trí một phần diện tích lòng đường để trông giữ phương tiện nhằm bảo đảm hè phố dành cho người đi bộ. Nay cấm để phương tiện dưới lòng đường thì toàn bộ bãi trông giữ xe lại chuyển lên hè phố (do hè không bị cấm để phương tiện). Người đi bộ lại mất chỗ đi an toàn, phải luồn lách dưới lòng đường. Tình trạng này cũng diễn ra ở khá nhiều tuyến phố khác.

Tuy nhiên, ở một vài khu vực, nguyên nhân của tình trạng thiếu điểm trông giữ xe lại không phải do không có đất để bố trí, mà lại do bất cập trong quản lý, dẫn đến sử dụng sai mục đích. Theo quy định, các tòa nhà, công trình mới được xây dựng đều có tầng hầm để xe. Thế nhưng, tầng hầm của một số tòa nhà được thiết kế là điểm đỗ xe tại công trình 52 Hai Bà Trưng, Thư viện Hà Nội... lại sử dụng cho mục đích khác. Một số cơ quan như: Cung Văn hóa thiếu nhi cho thuê diện tích lớn trong khuôn viên để kinh doanh cà-phê; Bệnh viện Việt - Ðức sử dụng diện tích đỗ xe làm căng-tin, chỗ bán thuốc, trong khi xin phép sử dụng hè phố để trông giữ xe...

Ðể giải quyết tình trạng này đòi hỏi phải có những quyết sách căn bản. Tại buổi làm việc mới đây giữa Ủy ban An toàn giao thông quốc gia với quận Hoàn Kiếm, vấn đề này đã được đưa ra xem xét. Quận Hoàn Kiếm đề xuất một số giải pháp như: xây dựng các cầu vượt kết cấu nhẹ qua các tuyến đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư nhằm sử dụng quỹ đất hiện có của phường Chương Dương và phường Phúc Tân phục vụ cho giao thông tĩnh. Xây dựng bãi đỗ xe tại dải phân cách trên đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải. Xây bãi đỗ ngầm dưới vườn hoa Cổ Tân và một số vườn hoa khác. Quy hoạch lại các điểm giao thông tĩnh tập trung, chủ yếu là bãi đỗ xe cao tầng hoặc ngầm. Cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá trông giữ phương tiện; ở những vị trí khác nhau có giá khác nhau để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các điểm đỗ xe...

Quận Hoàn Kiếm đang có dự án mở rộng các tuyến phố đi bộ nhằm tạo không gian sinh hoạt văn hóa, giải trí hấp dẫn cho Thủ đô. Những áp lực về các vấn đề giao thông phải được giải quyết thỏa đáng thì dự án này mới trở thành hiện thực. Ðiều này, không chỉ đòi hỏi thành phố và các ngành chức năng phải có giải pháp tổng thể, căn cơ, mà còn đòi hỏi sự chủ động sắp xếp lại giao thông của chính quận Hoàn Kiếm, để bảo đảm giao thông, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân, từ đó thúc đẩy kinh tế-xã hội Thủ đô phát triển.