Trung tâm đang thực hiện nhiều công đoạn nhằm quảng bá tới nhân dân và du khách quốc tế về giá trị của khối mộc bản này, trong đó có việc làm phiên bản mộc bản Chiếu dời đô tặng UBND thành phố Hà Nội.
Di sản tư liệu thế giới
Năm 2009, khối mộc bản triều Nguyễn đã được Chương trình Ký ức thế giới thuộc UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Mộc bản là bản gỗ khắc chữ để in sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Tài liệu mộc bản triều Nguyễn hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV Ðà Lạt, thuộc Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, là những văn bản, tác phẩm được khắc chữ Hán-Nôm ngược lên những tấm gỗ để in ra thành sách.
Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), nhà Nguyễn cho lập Quốc sử quán để biên soạn quốc sử, thực lục các triều vua và sách chuyên khảo về giáo dục, địa chí... dựa trên các sách cổ và những tài liệu được hình thành trong quá trình hoạt động của triều đình và các bộ, nha, trấn, thành... như chiếu, dụ, chỉ của nhà vua đã được đưa ra thi hành; các phiến, tấu, sớ, sách của các cơ quan và địa phương đã được vua phê duyệt và hầu bửu - bản chính của các văn bản trên được gọi là Châu bản. Theo lệ định, Châu bản được giao cho nội các để sao chép lời ngự phê vào hai phó bản. Khi sao chép và hầu bửu xong, nội các gửi một phó bản cho Quốc sử quán để làm tài liệu biên soạn các sách.
Bản thảo sách sau khi biên soạn xong, được kiểm tra, bổ sung, chỉnh sửa qua nhiều khâu, cuối cùng được phép "tinh tả" rõ ràng theo nguyên bản, kèm theo biểu dâng sách tiến trình Hoàng đế "ngự lãm". Sau khi nhà vua xem xong và phê duyệt, bản thảo được giao cho thợ khắc in, khắc lên những tấm gỗ (mộc bản) để in ra nhiều bản. Mộc bản sau khi in xong, được đưa vào bảo quản ở Tàng bản đường trong Quốc sử quán.
Trong hơn một thế kỷ tồn tại, Quốc sử quán triều Nguyễn đã biên soạn nhiều bộ sách sử có giá trị như Ðại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Ðại Nam nhất thống chí... Mộc bản triều Nguyễn phần lớn là những bộ ván khắc in những tác phẩm được triều Nguyễn biên soạn, ngoài ra còn bao gồm cả những ván khắc in các sách kinh điển của nhà nho dùng để dạy và học, một số bộ chính sử khắc từ thời Lê được thu ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội... Tổng cộng khối mộc bản có 152 đầu sách với 1.935 quyển. Trong khối này có những bộ ván khắc rất có giá trị như: Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long) - bộ luật lớn nhất triều Nguyễn được ban hành vào năm Gia Long thứ 12; Bộ Ðại Nam thực lục - bộ sử lớn được biên soạn từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821), thời gian biên soạn 88 năm; Bộ sách Ðại Việt sử ký toàn thư - chép sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến thời Lê Trung Hưng (1675)...
Sau khi mộc bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã khảo sát mộc bản để lựa chọn những mộc bản liên quan Thăng Long - Hà Nội. Bất ngờ lớn khi các chuyên gia đã tìm thấy tấm mộc bản khắc Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn năm 1010. Ngoài ra còn tìm thấy nhiều mộc bản (167 mặt khắc) về khoa bảng Thăng Long-Hà Nội dưới triều Nguyễn; bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Những tấm mộc bản trên là tài liệu quý, là bản khắc duy nhất và cổ nhất còn lại của Việt Nam hiện nay.
Phát huy giá trị mộc bản Chiếu dời đô
Chiếu dời đô được tìm trong khối Mộc bản triều Nguyễn là bản khắc chữ Hán ngược, kích thước 41 x 21,2 cm, khuôn khổ in 20 x 29,5 cm ghi lại toàn bộ Chiếu dời đô của Vua Lý Công Uẩn soạn cách đây 1.000 năm, nằm trong bộ sách Ðại Việt sử ký toàn thư (Kỷ Lý Thái Tổ - quyển 2 - tờ 2) có ký hiệu H 31/8. Mộc bản gồm 214 chữ (không kể phần chú thích), với bố cục chặt chẽ, lời văn khúc chiết, đầy sức thuyết phục.
Mộc bản chiều Nguyễn nói về việc xây dựng Quốc Tử Giám
Thạc sĩ Phạm Thị Huệ khẳng định, đây là bản gốc duy nhất còn lại tính đến thời điểm này. Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm lưu trữ quốc gia IV đã và đang thực hiện nhiều hoạt động. Trung tâm đang thực hiện phiên bản mộc bản Chiếu dời đô của Vua Lý Công Uẩn để tặng UBND thành phố Hà Nội trước Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trung tâm triển khai các dự án: thiết kế và lắp đặt pa-nô quảng bá tài liệu mộc bản triều Nguyễn, mộc bản Chiếu dời đô tại sân bay quốc tế Liên Khương và các điểm đông khách du lịch trên địa bàn thành phố Ðà Lạt; biên soạn, xuất bản sách Khoa bảng Thăng Long - Hà Nội qua mộc bản triều Nguyễn; biên soạn và xuất bản sách Mộc bản triều Nguyễn - Từ Chiếu dời đô đến "Bình Ngô đại cáo". Trong dịp này, Trung tâm tổ chức trưng bày tài liệu mộc bản triều Nguyễn ngoài trời liên quan Thăng Long - Hà Nội và làm phim Dấu ấn Thăng Long - Hà Nội qua mộc bản triều Nguyễn.
Hai cuốn sách Khoa bảng Thăng Long - Hà Nội qua mộc bản triều Nguyễn và Mộc bản triều Nguyễn - Từ "Chiếu dời đô" đến "Bình Ngô đại cáo" sẽ được công bố và ra mắt độc giả trước ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Phim Dấu ấn Thăng Long-Hà Nội qua mộc bản triều Nguyễn sẽ trình chiếu đúng dịp 10-10 trên các kênh của Ðài Truyền hình Trung ương và địa phương. Bản phim bằng tiếng Anh sẽ được phát sóng trên kênh VTV4, với mục đích phát huy giá trị độc đáo của mộc bản tới công chúng trong nước và quốc tế nhân dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.