Kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Giá trị căn bản và độc đáo của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyên độc lập tự do, bắt đầu một thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng.

Ngày 19-8-1945, hàng chục nghìn người dân Thủ đô dự mít-tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố, chào mừng thắng lợi Cách mạng Tháng Tám. Ảnh tư liệu
Ngày 19-8-1945, hàng chục nghìn người dân Thủ đô dự mít-tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố, chào mừng thắng lợi Cách mạng Tháng Tám. Ảnh tư liệu

1- Cách mạng Tháng Tám 1945 đã làm nên sự khác biệt căn bản của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20 so với tất cả các thế kỷ trước đó của lịch sử dân tộc: Thiết lập một nền dân chủ, khẳng định quyền con người, khẳng định những khát vọng của dân tộc. Cuộc đổi thay ấy ở Việt Nam đã bắt đầu từ tháng 8-1945.

Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã diễn ra như một tất yếu, hợp với quy luật phát triển xã hội, với sự đồng thuận của đông đảo nhân dân mang ước vọng xây dựng một xã hội tươi đẹp trong tương lai. Đó là sự xác lập lần đầu ở Việt Nam một nền dân chủ bằng sự lựa chọn thể chế nhà nước sau cuộc cách mạng - thể chế Dân chủ cộng hòa - một thành tựu phổ quát của nền chính trị nhân loại. Việc xây dựng xã hội tốt đẹp đó là hợp với quy luật tiến lên của xã hội loài người. Cuộc nổi dậy của toàn dân Việt Nam theo lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giành lại độc lập dân tộc, cuộc Tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên được toàn dân sôi nổi hưởng ứng, tiến hành chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, lập nên một Chính phủ hợp hiến, hợp lòng dân đã khẳng định điều này.

Thành tựu và những thử thách suốt chặng đường hơn bảy mươi năm qua đã minh chứng những giá trị của một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Công cuộc Đổi mới được Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo từ những thập niên cuối của thế kỷ 20 cho đến nay chính là sự tiếp nối những giá trị lịch sử và những bài học sâu sắc của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Dân chủ hóa và hiện đại hóa là nền tảng vững chắc cho sự phát triển và trường tồn của dân tộc Việt Nam trong tương lai.

2- Ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa thắng lợi, độc lập dân tộc vừa được giành lại đã đứng trước nguy cơ Còn - Mất, chính quyền của nhân dân bị đe dọa. Trước tình thế vận mệnh dân tộc nguy nan, cả dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã bình tĩnh, chủ động và quyết tâm đứng lên bảo vệ với ý chí “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (1). Dân tộc trên hết - Tổ quốc trên hết đã trở thành ngọn cờ giương cao trong cuộc đấu tranh chống lại những âm mưu chia rẽ, phá hoại. Chính phủ cách mạng thu hút sự ủng hộ của toàn dân, được toàn dân bảo vệ vì Chính phủ đó hợp với lòng dân. Bài học phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự cường để xây dựng và bảo vệ Chính quyền cách mạng từ những năm tháng hào hùng đó hôm nay vẫn mang nhiều giá trị.

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập” (2). Quyền độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bất cứ thế lực xâm lược nào từ bên ngoài đều bị giáng trả, bất cứ kẻ phá hoại nào từ bên trong đều bị trừng trị. Ý chí đó chính là biểu hiện đậm nét của tư tưởng Không có gì quý hơn độc lập tự do, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đã đi cùng dân tộc Việt Nam qua những năm tháng ác liệt của hai cuộc kháng chiến chống xâm lược trong thế kỷ 20, đã làm nên những chiến công hiển hách, những thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam. Với ý chí đó, dân tộc Việt Nam đã đi qua chiến tranh cách mạng gian khổ và hào hùng để bảo vệ độc lập tự do của mình. Độc lập tự do của dân tộc là tiền đề tiên quyết để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

3- Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đã mở ra một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam. Chúng ta muốn xây dựng đất nước trong hòa bình và hữu nghị. Sau khi nước Việt Nam mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Thông cáo về chính sách đối ngoại của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó nêu rõ mục tiêu: Xây dựng nền hòa bình thế giới lâu dài. Sau hai cuộc chiến tranh khốc liệt và vinh quang, “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, nhân dân Việt Nam tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Hôm nay nhân dân Việt Nam vẫn tiếp tục con đường được mở ra từ Cách mạng Tháng Tám 1945 bằng sức mạnh dân tộc trong xu thế thời đại mới. Trên con đường đó, Việt Nam chủ động hội nhập, Việt Nam muốn là bạn và là đối tác tin cậy với tất cả các nước. Việt Nam muốn hợp tác để cùng phát triển, trên cơ sở các công pháp quốc tế, nhưng cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

4- Những bài học lớn từ Cách mạng Tháng Tám vẫn soi sáng cho chặng đường Đổi mới và Hội nhập của đất nước hôm nay.

Đó là bài học về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tập hợp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong mỗi hành động cách mạng. Để đất nước phát triển bền vững hôm nay, trong bối cảnh mới càng cần chúng ta phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc rộng rãi, không chỉ của đồng bào trong nước mà cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng ở một tầm cao mới, bằng những phương pháp mới.

Đó là bài học về vận dụng sách lược khôn khéo để mở rộng các mối liên hệ quốc tế cho cách mạng Việt Nam; bài học về nhận định đúng tình hình, xác định đúng thời cơ lịch sử và nhạy bén nắm bắt thời cơ, tận dụng những lợi thế do thời cơ mang lại để kiên quyết và kịp thời phát động toàn dân đứng dậy Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Những bài học này đã được phát huy trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc trước kia, nay vẫn cần tiếp tục phát huy sáng tạo khi đất nước tiến sâu vào hội nhập, vừa hợp tác vừa đấu tranh để phát triển bình đẳng.

Đó còn là bài học xây dựng, rèn luyện và trưởng thành của một đảng cộng sản chân chính, toàn tâm, toàn ý đấu tranh, hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân; biết vận dụng thực hiện đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Những điều này cho đến nay vẫn mang tính thời sự khi Đảng kêu gọi tăng cường tính chiến đấu và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng; tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW (ngày 15-5-2016) của Bộ Chính trị.

Những bài học lớn từ cuộc Cách mạng vĩ đại của dân tộc vẫn mang nhiều giá trị - khi chúng ta tích cực và chủ động hòa nhập với thế giới. Tuy nhiên độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia vẫn còn bị thử thách, vì thế chúng ta cần tận dụng mọi nguồn lực và cơ hội để phát triển bền vững đất nước, đồng thời bảo vệ vững chắc Tổ quốc thiêng liêng.

-----

(1) Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB CTQG, Hà Nội năm 2000,
tr 480.

(2) Tuyên ngôn độc lập. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB CTQG, Hà Nội năm 2000, tr 4.