Gia tăng khoảng cách thu nhập tại Hàn Quốc

Số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KS) công bố ngày 1/12 cho thấy, khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo ở Hàn Quốc trong năm ngoái ngày càng lớn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên văn phòng mua suất ăn trưa tại cửa hàng tiện lợi ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 24/6/2022. (Ảnh: Reuters)
Nhân viên văn phòng mua suất ăn trưa tại cửa hàng tiện lợi ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 24/6/2022. (Ảnh: Reuters)

Theo KS, tỷ lệ phân phối thu nhập khả dụng, thước đo quan trọng về bình đẳng thu nhập, của năm 2021 là 5,96, tăng từ mức 5,85 của năm 2020. Tỷ lệ cao hơn đồng nghĩa với bất bình đẳng gia tăng trong phân phối thu nhập. Với kết quả này, trong năm ngoái, thu nhập của 20% số người tốp đầu trong khung thu nhập cao gấp 5,96 lần so với 20% số người ở tốp dưới cùng.

Hệ số Gini được đo bằng thu nhập khả dụng, một thước đo khác về bất bình đẳng thu nhập, của năm 2022 là 0,333, tăng 0,002 so với năm 2020. Hệ số này ở mức 0 có nghĩa là hoàn toàn bình đẳng về thu nhập, trong khi mức chênh lệch hiện nay cho thấy khoảng cách ngày càng lớn về thu nhập giữa người giàu và người nghèo.

Dữ liệu của KS cũng cho thấy thu nhập trung bình các hộ gia đình Hàn Quốc năm 2021 là 64,14 triệu won (49.400 USD), tăng 4,7% so với một năm trước đó. Thu nhập của họ có được thông qua tiền lương tăng 7% so với cùng kỳ lên 41,25 triệu won.

Năm ngoái, thu nhập trung bình của 20% số người ở tốp dưới cùng của khung thu nhập là 13,23 triệu won, tăng 2,2% so với năm 2020. Trong khi đó, nhóm 20% thu nhập hàng đầu ở Hàn Quốc có thu nhập trung bình đạt 149,1 triệu won, tăng 5,4% so với một năm 2020.

Tính đến cuối tháng 3/2022, tài sản trung bình của các hộ gia đình Hàn Quốc đạt 547,7 triệu won, tăng 9% so với cùng kỳ do chi phí bất động sản cao hơn. Trong khi đó, nợ trung bình của các hộ gia đình Hàn Quốc lên tới 91,7 triệu won, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nợ tài chính trung bình của các hộ gia đình là 68 triệu won, tăng 4,4% so với một năm trước.