Gia tăng giá trị từ nghề nuôi ngao biển

NDO -

Từ nhiều năm nay, ngao là đối tượng chủ lực trong phát triển kinh tế biển của nhiều địa phương, góp phần thay đổi mạnh mẽ đời sống kinh tế của người dân ven biển. Thị trường cho sản phẩm ngao biển cực kỳ rộng lớn, trong khi đó, Việt Nam mới đang cung cấp ở mức vài phần trăm của nhu cầu thị trường. PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã có cuộc trao đổi với phóng viên chung quanh vấn đề này.

PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA).
PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA).

PV: Ông đánh giá thế nào về nghề nuôi ngao biển của Việt Nam?

PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng: Ngao là động vật nhuyễn thể hai vỏ rất dễ nuôi và thích hợp với môi trường cũng như điều kiện tự nhiên của hầu hết các tỉnh ven biển, đặc biệt là các vùng có bãi triều lớn như vùng cửa sông Hồng ở miền bắc và cửa sông Mê Kông ở miền nam.

Nuôi ngao là một chuyện nhưng thị trường còn thuận lợi hơn nữa do đây là sản phẩm đã được sử dụng từ rất nhiều năm nay và nhu cầu thị trường không ngừng đòi hỏi về số lượng và phẩm chất tốt hơn.

Thị trường cực kỳ rộng lớn, trong khi đó, chúng ta mới đang cung cấp chỉ ở mức vài phần trăm của nhu cầu thị trường.

PV: Đâu là những điểm yếu trong nghề nuôi ngao biển của chúng ta hiện nay, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng: Trong những năm gần đây, nghề nuôi ngao ngày càng phấp phỏm và tính bền vững của nghề này ngày càng giảm đi. Nuôi rất nhiều, tuy nhiên, tình trạng chết hàng loạt của ngao mà không rõ nguyên nhân vẫn diễn ra.

Theo tôi, ngao chết có thể do môi trường. Vì ngao nuôi ở bãi triều, môi trường nuôi là môi trường mở, chúng ta không kiểm soát được. Bên cạnh đó, do nuôi với mật độ quá dày dẫn đến ngao chết đói vì không đủ thức ăn.

Phù xa là nguồn cung cấp thực phẩm chính cho ngao bị chặn lại ở thượng nguồn, nơi các đập thủy điện được xây dựng. Ở hạ nguồn thức ăn giảm đi nhưng mật nuôi lại quá dày. Chỉ cần một con ngao chết thì sẽ lan ra cả vùng. Vì ngao là sản phẩm dễ bị phân hóa nhất trong điều kiện nhiệt đới của chúng ta.

Địa giới hành chính thì ổn định nhưng bãi triều thì biến động, do vậy, có thể năm nay vùng nuôi thuộc tỉnh này nhưng năm sau thuộc tỉnh khác, do đó, việc tranh chấp địa bàn trong việc nuôi ngao thường xuyên xảy ra.

PV: Làm thế nào để các vùng nuôi ngao của chúng ta hướng đến bền vững, cung cấp số lượng ngày càng lớn cho thị trường, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng: Nuôi ngao là việc rất dễ mà ai cũng làm được, tuy nhiên, nuôi ngao bền vững là vững là một chuyện rất khó. Bền vững là gì? Là chúng ta có thể chủ động kiểm soát tình hình và mọi điều kiện nuôi ngao. Muốn như vậy, đầu tiên là môi trường phải kiểm soát được. Hiện nay, các nước tiên tiến đã chuyển hết từ nuôi ngao tự nhiên sang nuôi ngao có kiểm soát, tức là nuôi trong ao. Việc này giúp kiểm soát môi trường nước đầu vào. Để làm được việc này, việc đầu tiên là phải có thức ăn bổ sung cho con ngao. Thức ăn cho ngao chủ yếu là vi tảo. Vi tảo ở các nước được sản xuất rất đại trà. Còn tại Việt Nam mới có nhà máy đầu tiên tại Trà Vinh, đây là tiền đề để sản xuất vi tảo cung cấp thức ăn cho ngao cũng như các đối tượng thủy sản khác.

Thứ hai, cần kiểm soát môi trường và giám sát chất lượng môi trường một cách thường xuyên và tự động nhằm chặn các loại tảo, vi tảo độc hại vào ao nuôi. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Việc này không chỉ người nuôi ngao làm được mà cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan kiểm soát mối nguy và hệ thống đó cần làm càng nhanh càng tốt.

PV: Tuy nhiên, nhiều nông dân lo lắng việc nuôi trong ao và phải cho ăn khiến chi phí sản xuất sẽ tăng và họ sẽ không còn lợi nhuận?

PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng: Đúng, nhưng họ lại chủ động và đi cùng với đó là chất lượng ngao. Bởi lẽ, khi cho con ngao ăn thì chất lượng thịt ngao và tốc độ lớn của ngao được kiểm soát.

Hiện, giống ngao của chúng ta thoái hóa đến mức không thể chấp nhận được. Kích thước ngao vỏ giờ chỉ bằng một nửa so với kích thước cách đây 10 năm. Chúng ta phải làm lại giống ngao đó và chọn ra những giống ngao tốt kèm theo thức ăn tốt thì chu trình nuôi sẽ ngắn lại và hiệu quả nuôi sẽ cao hơn.

Thay vì nuôi ngao ngoài tự nhiên, con ngao có bao nhiêu thức ăn ăn bấy nhiêu, tranh nhau thức ăn thì lớn rất chậm. Thay vì đến hơn 30 tháng một vụ thì chỉ vài tháng một vụ thu hoạch. Do đó, không có gì là rủi ro nếu chúng ta kiểm soát được tình hình.

PV: Nhìn từ câu chuyện nuôi biển, theo ông, ngành ngao Việt Nam có thể phát triển với kim ngạch xuất khẩu lên đến hàng tỷ USD hay không?

PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng: Tôi không nghĩ ngao Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ USD, vì mục tiêu tỷ USD theo tôi nghĩ nó là mục tiêu đi sau chứ không phải là mục tiêu số một. Mục tiêu số một của bất cứ hoạt động nuôi biển nào là hiệu quả, lợi nhuận cho những người tham gia chuỗi đó. Có như vậy, chúng ta mới có thể phát triển bền vững.

Trách nhiệm của toàn chuỗi không chỉ dừng ở việc bao tiêu sản phẩm mà vấn đề làm thế nào để toàn chuỗi đều có lãi và việc này công khai. Việc này có thể triển khai theo hướng trong công ty chế biến và xuất khẩu có cổ phần của người nuôi, thông tin giá bán, giá mua, lợi nhuận đều được công khai hết. Làm được như vậy, người nuôi sẽ có quyền ngang chế biến và thu mua.

PV: Mới đây, ngao trắng (có tên khoa học là Meretrix Lyrata) Nam Định đạt chứng nhận ASC đầu tiên trên thế giới. Chứng nhận ASC có ý nghĩa như thế nào đối với ngành hàng ngao trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng: ASC là chữ viết tắt của Aquaculture Stewardship Council (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Đây là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập năm 2009 bởi Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH), nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm. ASC xây dựng bộ tiêu chuẩn chứng nhận dựa trên bốn nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.

ASC là chứng nhận rất có ý nghĩa trên thị trường thế giới, bởi lẽ, đây là chứng nhận của tổ chức phi lợi nhuận, đưa ra nhằm bảo đảm cho người tiêu dùng có quyền lợi cao nhất đó là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất thủy sản được hòa hợp với môi trường, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. ASC là chứng nhận thực phẩm cấp cao nhất. Với chứng nhận ASC, sắp tới sản phẩm ngao của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất đi nhiều quốc gia. Đây là những tiền đề quan trọng, cơ hội “vàng” để thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy hải sản nói chung, nuôi ngao nói riêng tại Việt Nam cũng như ở tỉnh Nam Định phát triển lên một tầm cao mới.

Cùng với việc chuyển đổi phương thức nuôi từ tự nhiên tại các bãi triều sang phương thức nuôi ngao trong các ao đầm có bổ sung thức ăn vi tảo, tiến hành kiểm soát môi trường một cách tự động… giúp bảo đảm nuôi ngao bền vững. Tuy nhiên, đây mới là sự chuyển đổi về chất. Còn về giá trị, cần nâng cấp các sản phẩm chế biến. Hiện nay, có hai sản phẩm chính gồm: ngao vỏ được làm sạch cát và xuất khẩu;  ngao bỏ vỏ lấy thịt. Đây là hai sản phẩm cơ bản nhưng mới ở phẩm cấp thực phẩm. Từ ngao chúng ta còn sản xuất ra hàng chục loại sản phẩm khác dùng làm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, các vi chất có lợi cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm… Có như vậy, mới nâng được hiệu quả ngành sản xuất ngao một cách đồng bộ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!