Gia tăng độ bao phủ thẻ tín dụng nội địa

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dù số lượng thẻ tín dụng nội địa còn thấp nhưng sự tăng trưởng mạnh về số lượng, giá trị giao dịch là điểm sáng đáng ghi nhận trong năm vừa qua. Đây cũng là lĩnh vực có tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Gia tăng độ bao phủ thẻ tín dụng nội địa

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3/2024 đạt hơn 904,7 nghìn thẻ (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023). Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị 10 nghìn tỷ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị).

Phó Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Lê Anh Dũng cho biết, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, thu nhập của người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số thịnh hành,... là những lý do khiến thị trường thẻ tín dụng nội địa có rất nhiều tiềm năng phát triển. “Với hơn 900 nghìn thẻ tín dụng nội địa trong khi quy mô dân số 100 triệu người thì đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa trong thời gian tới”, ông Dũng khẳng định.

Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3/2024 đạt hơn 904,7 nghìn thẻ (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023). Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị 10 nghìn tỷ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị).

Sản phẩm thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tính năng, tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không thua kém thẻ tín dụng quốc tế.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Quang Minh, thẻ tín dụng nội địa có đầy đủ tính năng như chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày, cũng như tuân thủ tiêu chuẩn an toàn, bảo mật theo chuẩn EMV của quốc tế; không chỉ thanh toán rộng rãi ở các điểm chấp nhận thanh toán trong nước, thanh toán trực tuyến (online) mà còn sử dụng thanh toán/ rút tiền ở một số quốc gia.

“Thẻ tín dụng nội địa còn là phương thức hiệu quả giúp người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chính thức từ các ngân hàng và công ty tài chính, đặc biệt trong trường hợp khách hàng phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất thì không phải tìm đến hình thức cho vay tín dụng đen với lãi suất cao”, ông Nguyễn Quang Minh nhìn nhận.

Mặt khác, khi so sánh với thẻ tín dụng quốc tế, biểu phí và lãi suất thẻ tín dụng nội địa đơn giản và thấp hơn rất nhiều. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trung bình mỗi năm Master Card và Visa thu từ một ngân hàng Việt Nam khoảng 270 loại phí, trong khi số loại phí của thẻ tín dụng nội địa thấp hơn nhiều.

Bên cạnh đó, phí duy trì thường niên của thẻ tín dụng quốc tế dao động từ 299 nghìn đến 2 triệu đồng cho nhóm thẻ phổ thông, có thể hàng chục triệu đồng cho nhóm thẻ ưu tiên; trong khi phí thường niên của thẻ tín dụng nội địa thường dao động từ 150-300 nghìn đồng cho các hạng thẻ khác nhau.

Tuy nhiên, số lượng thẻ tín dụng nội địa hiện nay còn quá thấp, chỉ bằng 8% thẻ tín dụng quốc tế và 0,6% thẻ toàn thị trường. Doanh số thanh toán hiện nay mới chỉ đạt từ 0,5-0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường. Doanh số này vẫn rất thấp so với tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa.

Dù có dư địa rất lớn để phát triển, song trên thực tế, số lượng thẻ tín dụng nội địa còn rất thấp. Giám đốc Trung tâm thẻ của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Nguyễn Tấn Pháp đánh giá, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa tại thị trường Việt Nam đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Đơn cử, số lượng ngân hàng thương mại cổ phần tham gia phát triển thẻ tín dụng nội địa rất hạn chế, việc truyền thông, quảng bá, chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng chưa được chú trọng.

Do vậy, người dân vẫn chưa tiếp cận được sản phẩm và những ưu điểm của sản phẩm, dẫn đến số lượng phát hành còn thấp so với thẻ tín dụng quốc tế. Cùng với đó, thẻ tín dụng nội địa khó cạnh tranh với thẻ tín dụng quốc tế về phạm vi sử dụng, tính năng quốc tế cũng như các ưu đãi hấp dẫn từ tổ chức thẻ quốc tế. Chưa kể, do thói quen người tiêu dùng có tâm lý ưa chuộng các sản phẩm thẻ quốc tế hơn vì tính phổ biến và số đông.

Đồng quan điểm nêu trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Ngọc Đức (Khoa Tài chính-Ngân hàng, Trường đại học Đại Nam) cho hay, nguyên nhân chính khiến thẻ tín dụng nội địa chưa hấp dẫn là do các yếu tố về tâm lý người tiêu dùng, chi phí cơ hội và chi phí tài chính của các tổ chức phát hành... Hiện nay, số loại thẻ tín dụng nội địa phát hành tại các ngân hàng thương mại chỉ chiếm một phần sáu đến một phần mười so với số loại thẻ tín dụng quốc tế được phát hành. Mức phí và lãi suất không phải là rào cản với thẻ tín dụng nội địa, bởi giá và phí của thẻ tín dụng nội địa ít và thấp hơn so với thẻ tín dụng quốc tế.

Từ góc độ tiếp cận như vậy, ông Đặng Ngọc Đức đề xuất, việc nghiên cứu và lựa chọn các giải pháp thúc đẩy sử dụng thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam cần được các ngân hàng thương mại xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Điều quan trọng và cần được coi là chiến lược trong dài hạn là phải củng cố và nâng cao uy tín của mỗi ngân hàng thương mại để thẻ phát hành ra có thể sẽ được chấp nhận thanh toán ngoài Việt Nam, trở thành thẻ quốc tế. Đồng thời, sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan chức năng về tổ chức, giám sát và hỗ trợ phát triển thẻ tín dụng nội địa mang tính quyết định.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng nêu rõ, trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thẻ tín dụng nội địa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Nghị định mới tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ phát triển thẻ tín dụng nội địa; đồng thời, triển khai tốt các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn, phòng ngừa gian lận, lừa đảo, tăng lòng tin của người dùng khi sử dụng các phương tiện điện tử.

“Các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, an toàn, mở rộng hạ tầng, mạng lưới chấp nhận thanh toán; phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan đẩy mạnh truyền thông nhằm tiếp cận và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện và hạn chế tín dụng đen”, ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.