Giá lúa mì giảm kịch sàn, quặng sắt tăng mạnh 8,4%

NDO -

Trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh tăng giá thép lần 4 chỉ trong hai tuần qua. Mức tăng dao động từ 500.000-610.000 đồng/tấn khiến giá thép hiện nay đã vượt mốc 19 triệu đồng/tấn.

Ảnh minh họa: Reuters.
Ảnh minh họa: Reuters.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, đóng cửa ngày 16/3, sắc xanh đỏ chia làm hai nửa trên bảng giá 31 mặt hàng đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở. Tuy nhiên, mức giảm mạnh hơn 3% của nhóm nông sản khiến chỉ số MXV-Index giảm về mức 2.814,15 điểm. 

Giá lúa mì giảm kịch sàn, quặng sắt tăng mạnh 8,4% -0

Mặc dù chỉ số chung đi xuống, nhưng diễn biến tích cực ở một số mặt hàng đang phục hồi sau một thời gian giảm sâu, giúp cho giá trị giao dịch toàn Sở vẫn tăng mạnh hơn 40% lên xấp xỉ 5.000 tỉ đồng.

Lúa mì giảm kịch sàn

Kết thúc phiên giao dịch 16/3, sắc đỏ bao trùm toàn bộ bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở Chicago.

Lúa mì một lần nữa lại giảm kịch sàn trong ngày hôm qua, xóa đi toàn bộ mức tăng tích lũy được từ cuối tuần trước đến nay và đẩy giá về mức thấp nhất trong vòng 2 tuần. Triển vọng về việc có thể sớm tìm ra được “giải pháp” cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, là nguyên nhân chính gây sức ép lên giá lúa mì trong phiên hôm qua.

Giá lúa mì giảm kịch sàn, quặng sắt tăng mạnh 8,4% -0

Bên cạnh đó, diện tích gieo trồng lúa mì của Mỹ năm nay được dự đoán ở mức 48,9 triệu mẫu, cao hơn so với mức 46,7 triệu mẫu của năm ngoái và mức 48 triệu mẫu mà Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra trong Diễn đàn Triển vọng Nông nghiệp 2022 hồi cuối tháng Hai. Khả năng thiếu hụt nguồn cung lúa mì toàn cầu do ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh ở khu vực Biển Đen là động lực chính khiến nông dân Mỹ mở rộng diện tích gieo trồng.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết, nước này có khả năng sẽ gieo trồng được từ 50-70% diện tích lúa mì cho vụ xuân năm nay, bảo đảm nhu cầu nội địa và vẫn có tiềm năng để tiếp tục xuất khẩu. Các thông tin trên cũng góp phần khiến lực bán áp đảo trong phiên tối qua.

Ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến của giá lúa mì, kết hợp với việc sản lượng ethanol của Mỹ giảm và tồn kho ethanol tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 trong báo cáo hằng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), cũng khiến giá ngô giảm mạnh 3,7% về mức 730 cents/giạ.

Giá kim loại quý trái chiều

Sau một vài phiên đồng loạt giảm mạnh, sắc xanh đã quay trở lại với phần lớn các mặt hàng kim loại. Diễn biến trái chiều lại xuất hiện giữa ba mặt hàng kim loại quý, với giá vàng và bạch kim cùng tăng hơn 0,5% lên lần lượt là 1.927,9 USD/ounce và 1.008,1 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạc giảm gần 2% về 24,7 USD/ounce.

Giá lúa mì giảm kịch sàn, quặng sắt tăng mạnh 8,4% -0

Mức tăng không đáng kể trên thị trường bạch kim và vàng cộng với sức bán mạnh đến từ thị trường bạc phần nào cho thấy những tác động nhất định sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,25%, và cũng là đợt tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018.

Động thái này của FED nhằm đối phó với mức lạm phát đang tăng mạnh nhất trong vòng 40 năm của Mỹ, và nhằm củng cố vị thế của đồng USD nên đã gây ra không ít sức ép lên nhóm kim loại quý. Một trong những lý do khiến cho giá bạc giảm mạnh nhất vì trước đó kim loại này chưa bị bán nhiều như bạch kim, còn vai trò trú ẩn cũng thua kém so với vàng.

Giá quặng sắt tăng mạnh 8,4%, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng giá thép

Quặng sắt là kim loại tăng mạnh nhất trong hôm qua với mức đóng cửa cao hơn 8,4% lên 149,2 USD/tấn. Cũng như thị trường đồng, giá quặng sắt cũng chịu nhiều sức ép từ triển vọng kinh tế kém khả quan và tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, tuy nhiên nguy cơ nguồn cung thép trên toàn cầu bị thắt chặt đã hỗ trợ khá nhiều đối với giá quặng sắt.

Trong hai tháng đầu năm, nhà xuất khẩu thép số một thế giới đã sản xuất tổng cộng 157,96 triệu tấn thép thô, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, với sản lượng trung bình hàng ngày là 2,68 triệu tấn. Xét riêng tháng 02/2022, các doanh nghiệp thép đầu mối của nước này đã sản xuất tổng cộng 59,36 triệu tấn thép thô, giảm 13,17% so với cùng kỳ năm trước và sản xuất 57,62 triệu tấn thép bán thành phẩm, giảm 11,05% so với cùng kỳ năm trước.

Giá lúa mì giảm kịch sàn, quặng sắt tăng mạnh 8,4% -0

Hiện Trung Quốc là nước duy nhất có thể cung cấp lương thép lớn cho toàn thế giới vì nguồn cung ở châu Âu đang bị gián đoạn vì xung đột ở Biển Đen nên đây là tin tức chính đã thúc đẩy sức mua trên thị trường quặng sắt ngày hôm qua.

Trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh tăng giá thép lần 4 chỉ trong hai tuần qua. Mức tăng dao động từ 500.000-610.000 đồng/tấn khiến giá thép hiện nay đã vượt mốc 19 triệu đồng/tấn.