Sắc đỏ phủ kín bảng giá kim loại
Kết thúc ngày giao dịch 30/5, sắc đỏ bao trùm bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim đồng loạt giảm do sự không chắc chắn của yếu tố vĩ mô. Chốt phiên, giá bạc giảm 2,59% xuống 31,53 USD/ounce, đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp. Giá bạch kim giảm 0,94% xuống 1.038 USD/ounce.
Trong hai tuần trở lại đây, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã liên tục phát đi thông điệp rằng lạm phát tại Mỹ chưa hạ nhiệt đủ nhanh và FED cần giữ lãi suất cao lâu hơn. Điều này đã giảm bớt tâm lý lạc quan trên thị trường và hạn chế đà tăng của kim loại quý trong thời gian gần đây.
Trong phiên giao dịch hôm qua, sự không chắc chắn về hướng đi của FED cũng khiến giá bạc và giá bạch kim đồng loạt giảm, bất chấp việc Mỹ công bố loạt dữ liệu kinh tế yếu kém, củng cố cho kịch bản hạ lãi suất.
Cụ thể, theo báo cáo sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ chỉ tăng 1,3% trong quý I/2024, được điều chỉnh giảm từ mức 1,6% trong báo cáo trước đó. Hơn nữa, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ chỉ tăng 2% trong quý I/2024, thấp nhất kể từ quý II/2023.
Đối với kim loại cơ bản, giá quặng sắt giảm 2,7% xuống 115,64 USD/tấn, mức thấp nhất hai tuần sau khi Trung Quốc phát đi tín hiệu tiếp tục hạn chế sản lượng thép.
Theo một tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc, Trung Quốc đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon của các ngành công nghiệp chủ chốt ở mức tương đương khoảng 1% tổng lượng khí thải quốc gia vào năm 2023, đồng thời nhắc lại việc kiểm soát sản xuất kim loại. Trước đó vào tháng 4, cơ quan hoạch định nhà nước Trung Quốc đã tuyên bố rằng chính phủ sẽ tiếp tục quản lý sản lượng thép thô vào năm 2024.
Giá đồng COMEX cũng giảm hai phiên liên tiếp, với mức giảm 2,77% xuống 4,65 USD/pound. Hiệu suất của giá đồng đang suy yếu trong những phiên gần đây khi rủi ro nguồn cung được xoa dịu bớt, trong khi nhu cầu tiêu thụ thực tế vẫn yếu tại Trung Quốc.
Dữ liệu thống kê cho thấy tồn kho tại Sở Thượng Hải vẫn đang duy trì ở mức 290.000 tấn, vùng cao nhất 4 năm. Trong khi đó, sản lượng đồng tinh chế của nước này vẫn đang ở mức cao kỷ lục, khoảng 1,4 triệu tấn, bất chấp việc hạn chế sản xuất. Những điều này cho thấy tiêu thụ trầm lắng tại Trung Quốc khiến nguồn cung dư thừa.
Tồn kho xăng của Mỹ tăng gây áp lực cho giá dầu
Đóng cửa ngày 30/5, giá dầu thế giới tiếp tục giảm phiên thứ 2 liên tiếp trước áp lực vĩ mô và tín hiệu nhu cầu có phần suy yếu. Dầu WTI giảm 1,67% xuống 77,91 USD/thùng. Dầu Brent giảm 2,08% xuống 81,86 USD/thùng.
Dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần kết thúc ngày 24/5 do các nhà máy lọc dầu tăng công suất sử dụng lên mức cao nhất trong hơn 9 tháng. Tuy nhiên, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất bất ngờ tăng lần lượt 2 triệu và 2,5 triệu thùng do nhu cầu suy yếu ngay cả khi thông lượng lọc dầu tăng.
Các nhà phân tích đã kỳ vọng sau kỳ nghỉ Lễ Tưởng niệm Mỹ vào ngày 27/5, thời điểm bắt đầu mùa lái xe mùa hè ở Mỹ, sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu. Tuy nhiên, thước đo nhu cầu xăng của EIA đã giảm khoảng 2% so với tuần trước xuống còn 9,15 triệu thùng mỗi ngày. Điều này đã gây áp lực cho giá dầu trong phiên.
Giá xăng tương lai của Mỹ cũng đã giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất trong 3 tháng, đạt mức 2,40 USD/gallon, trong khi giá dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cực thấp ổn định ở mức thấp nhất trong hơn 11 tháng.
Bên cạnh yếu tố cung cầu, áp lực vĩ mô cũng đã đè nặng tới giá dầu trong phiên. Theo dữ liệu trong lần điều chỉnh thứ hai của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP quý I chỉ ghi nhận mức tăng 1,3% so với quý trước đó, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dữ liệu sơ bộ. Tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại trong bối cảnh lãi suất cao được duy trì lâu hơn đe dọa tới triển vọng tiêu thụ dầu trong tương lai. Giá dầu cũng đã giảm mạnh ngay sau dữ liệu được công bố.