Lực bán mạnh tiếp tục đẩy giá của các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp đóng cửa trong sắc đỏ. Giá cà-phê Arabica phiên thứ ba liên tiếp khi “dừng chân” ở mức 231,7 cents/pound. Giá cà-phê Robusta giảm về 2.307 USD/tấn. Cả hai mặt hàng cà-phê đều đang ở trong giai đoạn giảm điều chỉnh từ mức đỉnh 10 năm. Trước đây, giá Arabica đã giảm mạnh hơn, nên trong giai đoạn này, lực bán trên thị trường Robusta sẽ nhỉnh hơn. Ngoài ra, vì tiến độ thu hoạch ở Việt Nam đang rất thuận lợi, làm giảm tâm lý lo ngại về nguồn cung nên các nhà đầu tư cũng tăng cường bán ra.
Giá bông cũng giảm 1,3% về 114,72 cents/pound. Thị trường có thể đang đối mặt với áp lực giảm điều chỉnh khi mà giá đã tăng hơn 10% chỉ trong vòng hai tuần. Bên cạnh đó, báo cáo xuất khẩu hàng tuần của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được công bố hôm qua cho thấy, doanh số bán bông chỉ đạt 143.200 kiện, giảm 26% so với tuần trước và 48% so với mức trung bình 4 tuần trước đó. Thông tin tương đối tiêu cực này cũng là một yếu tố gây sức ép lên giá trong phiên hôm qua.
Giá đường tiếp tục suy yếu trong phiên hôm qua. Giá đường 11 giảm 0,8% còn 18,19 cents/pound, chạm mức thấp nhất trong vòng 5 tháng. Giá đường trắng cũng giảm 0,4% còn 486 USD/tấn. Triển vọng nguồn cung tích cực nhờ vào tiến độ thu hoạch tốt ở Thái Lan đang là yếu tố gây sức ép đối với thị trường đường. Ngoài ra, thị trường đường có thể ở trong trạng thái cân bằng cung-cầu thay vì mức thâm hụt như các dự báo trước đó. Thông tin này đã khiến các quỹ tăng cường bán ra và ngăn cản sự hồi phục của thị trường.
Giá cao-su Nhật Bản cũng đảo chiều giảm trong phiên hôm qua sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ phát đi tín hiệu rằng lạm phát tăng cao, buộc phải nâng lãi suất sớm và nhanh hơn. Khẩu vị rủi ro của giới đầu cơ giảm xuống, trong khi lo lắng về các biến chủng mới của Covid-19 vẫn đè nặng lên tâm lý. Bên cạnh đó, giá cao-su châu Á vẫn nằm trong đà giảm kể từ cuối tháng 11/2021 tới nay.
Ở Ấn Độ, một trong 5 nước sản xuất cao-su lớn nhất thế giới, nông dân đã bước vào vụ khai thác cao-su. Tuy nhiên, mưa kéo dài từ trước và bắt đầu chuyển sang mùa khô khiến cây cao-su rụng lá, làm sản lượng mủ cao-su giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, những khó khăn liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu và nguồn cung thiếu hụt có thể khiến giá cao-su sớm hồi phục trở lại.
Cuối năm 2021, tình hình khai thác cao-su trong nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tại các tỉnh sản xuất chính như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương. Cho cả năm 2021, xuất khẩu cao-su của Việt Nam ước đạt 1,9 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng gần 13% về lượng và 39% về trị giá so với năm 2020. Tháng 1/2022, giá mủ cao-su được thu mua dao động quanh mức 290-330 đồng/độ TSC, tăng hơn 10 đồng/độ TSC so với cuối tháng 12.