Việc thích ứng nhanh với thị trường lao động-việc làm, tăng cường thực hành tại doanh nghiệp giúp các trường cao đẳng nghề định hướng đào tạo phù hợp và nâng cao chất lượng dạy nghề.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, các công ty: Compal, Honda và Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 được các trường cao đẳng nghề hết sức coi trọng. Các doanh nghiệp này không chỉ cung cấp môi trường tốt để giáo viên và học sinh thực tập, rèn nghề, mà còn tham gia xây dựng chiến lược phát triển, chương trình, giáo trình đào tạo, chấm thi tốt nghiệp và nhiều hoạt động khác của các trường.
Coi trọng quan hệ doanh nghiệp
Hơn một năm nay, Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại phục hồi mạnh mẽ. Chứng kiến sự háo hức, phấn chấn của hàng trăm học sinh tại Lễ hội hoa anh đào tổ chức cuối tháng 4/2022, ông Nguyễn Tiến Tùng, Hiệu trưởng trường bày tỏ: Quan hệ doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất trong công tác đào tạo, không có sự hợp tác của doanh nghiệp thì trường không thể đứng vững và phát triển. Hiện, các doanh nghiệp Nhật Bản đang phối hợp với trường tổ chức các chương trình đào tạo liên kết. Doanh nghiệp trả toàn bộ học phí cho học viên của ba ngành: Phiên dịch tiếng Nhật kinh tế-thương mại, cơ khí và quản trị lễ tân. Người học đạt trình độ L3 tiếng Nhật Bản có thể sang làm việc tại Nhật Bản và có thu nhập cao.
Đồng quan điểm nêu trên, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp Phạm Tố Như khẳng định, quan hệ doanh nghiệp là vấn đề sống còn đối với trường dạy nghề trong giai đoạn hiện nay. Ban lãnh đạo trường, Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm luôn tiếp cận doanh nghiệp để tìm kiếm hợp đồng đào tạo, kết nối thực tập, từ đó mở ra cơ hội việc làm có thu nhập cao cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trường mời đại diện của Công ty Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 tham gia Hội đồng trường. Những ý kiến của đại diện doanh nghiệp rất có ý nghĩa trong xây dựng chương trình đào tạo, định hướng phát triển trường.
Tại Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc, doanh nghiệp tham gia hội đồng chấm thi tốt nghiệp đối với các nghề kỹ thuật như cơ khí, động lực, ô-tô, điện. Ông Nguyễn Trung Thiện, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường nhận xét: Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tất cả các hoạt động như xây dựng chương trình, giáo trình, thực tập, chấm thi, tuyển dụng của trường. Tất cả học sinh đều có việc làm ngay sau khi ra trường, được chọn cơ sở làm việc, vì tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên thiếu lao động.
Tại các trường cao đẳng và nhiều cơ sở dạy nghề có uy tín, doanh nghiệp tham gia đóng góp vào chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, trao đổi chuyên gia, tiếp nhận học sinh, sinh viên đến tham quan, thực tập và tuyển dụng học sinh, sinh viên có nhu cầu làm việc.
Ở chiều ngược lại, không ít doanh nghiệp từ Hà Nội và Vĩnh Phúc chủ động tiếp cận trường cao đẳng nghề có uy tín, đặt hàng đào tạo và đào tạo lại cho công nhân. Nhiều trường cao đẳng nhận được đơn đặt hàng đào tạo từ doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Từ năm 2017 đến nay, Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp đào tạo nghề cho hơn 1.500 lao động tại các doanh nghiệp. Các trường cao đẳng nghề đều tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc và họ coi đây là kênh kết nối quan trọng với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Tăng cường liên kết và chia sẻ
Trong bối cảnh khan hiếm lao động, nhiều doanh nghiệp như: Toyota, Honda, Compal, Piaggio tại Vĩnh Phúc sẵn sàng trả lương cho thực tập sinh và giáo viên dạy nghề. Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 Trần Đức Tiệp nêu thực tế: Đối với các ngành thế mạnh như cơ khí, hàn, điện, doanh nghiệp vào tận trường để tuyển dụng. Để nâng cao chất lượng dạy học, thầy, cô giáo cũng phải đến doanh nghiệp để học thực hành. Nơi nào mà giáo viên được thợ cả, công nhân kỹ thuật bậc cao hướng dẫn thì chất lượng giảng dạy thực hành tốt hơn. Do đó, gắn kết với doanh nghiệp là con đường nhanh nhất để hoàn thiện kỹ năng nghề cho giáo viên cũng như học sinh.
Đối với những cơ sở được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành hiện đại như: Cao đẳng Kinh tế và Kỹ thuật Vĩnh Phúc, việc có đông học sinh là điều dễ hiểu. Trường hiện có 3.500 học sinh, sinh viên, trong đó hệ cao đẳng có hơn 1.100 người, một con số tuyển sinh đáng mơ ước của nhiều cơ sở dạy nghề. Khảo sát của nhà trường cho thấy, có 82% người tốt nghiệp làm đúng ngành nghề trong doanh nghiệp, còn lại là lao động tự do. Nhìn chung học sinh, sinh viên ra trường đều có việc làm ngay.
Khảo sát 92 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, trong quý I và quý II năm 2022, các doanh nghiệp cần tuyển 64,1% lao động phổ thông; 24,4% công nhân kỹ thuật không bằng cấp, chứng chỉ; 1,6% trình độ sơ cấp; 2,1% trình độ trung cấp; 7,8% trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Như vậy, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn sử dụng lao động phổ thông, nhu cầu lao động kỹ thuật còn hạn chế.
Trong những năm gần đây, Vĩnh Phúc đứng tốp đầu cả nước về chất lượng dạy nghề, minh chứng là hàng trăm giải thưởng thi tay nghề quốc gia và quốc tế, trình độ giáo viên cao, cơ sở vật chất khang trang và tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường làm đúng nghề rất cao. Tỉnh Vĩnh Phúc ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Lưu Văn Dũng cho rằng, cơ sở dạy nghề, nhất là các trường cao đẳng, trung cấp nghề cần tăng cường chia sẻ, liên kết với doanh nghiệp. Cần có chính sách giữ chân người lao động, thu hút giáo viên giỏi. Tới đây, Sở sẽ chủ trì tổ chức hoạt động kết nối giữa trường dạy nghề với doanh nghiệp trên địa bàn để trao đổi thông tin, phối hợp đào tạo, dạy nghề. Sở cũng sẽ nghiên cứu tăng cường hoạt động dự báo về nhu cầu lao động, làm cơ sở để xác định chỉ tiêu tuyển sinh với từng ngành, từng nghề.
Để đưa quan hệ giữa doanh nghiệp và các cơ sở dạy nghề đi vào chiều sâu, tới đây, 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh mà nòng cốt là bảy trường cao đẳng cần chủ động tiếp cận doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo và chia sẻ kinh phí đào tạo. Hoạt động quan hệ doanh nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa để bảo đảm hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, các trường cần có giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng dạy thực hành, thích ứng nhanh hơn với thị trường lao động ■
HÀ HỒNG HÀ