Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng hạn chế thì nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế và nguồn thu từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã góp phần duy trì sự ổn định, góp phần giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đồng thời tạo ra nhiều việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, đời sống của người làm nghề rừng, người bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào vùng núi cao, góp phần giữ vững an ninh-quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, tăng độ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đạt 58,33% năm 2023.
Năm 2024, tỉnh Nghệ An phê duyệt tổng diện tích rừng tự nhiên được chi trả ERPA là 790.352,86ha. Tương ứng với 40 chủ rừng là tổ chức, 211 Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên và hơn 30 nghìn chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Hội nghị tập huấn tuyên truyền phổ biến về ERPA tại địa bàn huyện Tương Dương. |
Đến nay, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã tiến hành chi trả cho 25 chủ rừng với tổng số tiền hơn 110 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này đã góp thêm nguồn tài chính để các chủ rừng là tổ chức thực hiện khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các cộng đồng dân cư, giúp người dân có thêm thu nhập từ rừng, giảm tỷ lệ các vụ vi phạm lâm luật; hỗ trợ sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng cho 454 cộng đồng dân cư với số tiền 22,7 tỷ đồng, phục vụ cho các công trình xây dựng, nâng cấp, làm mái tôn nhà văn hóa; làm hệ thống điện chiếu sáng; làm đường giao thông, xây dựng nhà bếp ăn tại nhà văn hóa; làm công trình nước sạch nông thôn; xây dựng đường bê tông,... Cải thiện đời sống cho các cộng đồng để họ yên tâm gắn bó với rừng.
Ngoài kinh phí khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ sinh kế, hơn 33 tỷ đồng từ ERPA cũng được đầu tư cho các hoạt động lâm sinh, cụ thể là nuôi dưỡng rừng tự nhiên.
Bên cạnh đó, Quỹ BVPTR cũng đã giải ngân hơn 18 tỷ đồng đến các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là chủ rừng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế, xã hội của gia đình, tạo điều kiện phát triển rừng bền vững.
Để có được kết quả trên, theo lãnh đạo Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Quỹ đã tập trung tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện một cách đồng bộ, tổ chức các cuộc làm việc, phối hợp tốt với chính quyền địa phương và các Hạt kiểm lâm rà soát diện tích rừng tự nhiên, thống kê các thông tin của chủ rừng để bảo đảm chi trả công khai, minh bạch, giảm thiểu thắc mắc, khiếu kiện. Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã tiến hành hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách tại 8 huyện được chi trả ERPA trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị tập huấn tuyên truyền phổ biến về ERPA tại địa bàn huyện Tương Dương. |
Thông qua hoạt động tuyên truyền đã hướng dẫn cho các chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ quan đơn vị liên quan thực hiện công tác lập kế hoạch tài chính và thực hiện các hoạt động về giảm phát thải khí nhà kính theo quy định; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, đẩy lùi tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, góp phần phục hồi và nâng cấp chất lượng rừng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An không có hoạt động liên quan về xử lý vi phạm, khiếu nại trong thực hiện ERPA.
Mặc dù việc triển khai thực hiện hiệu quả thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại Nghệ An đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.
Theo đại diện lãnh đạo Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Nghệ An cho biết: Một số chủ rừng là tổ chức, Uỷ ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên rất ít, số tiền được hưởng lợi thấp, khó khăn trong việc lập kế hoạch tài chính và mở, duy trì tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, việc thực hiện biệp pháp lâm sinh như nuôi dưỡng rừng tự nhiên tại một số chủ rừng đang gặp khó khăn do các quy định, hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện chưa cụ thể. Đặc biệt, số lượng chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh rất lớn; trong đó phần lớn nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, hạ tầng chưa đáp ứng, tỷ lệ người dân có nguyện vọng được chi trả bằng tiền mặt chiếm phần nhiều.
Trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục tập trung cho công tác giải ngân nguồn kinh phí ERPA, song song với việc hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường và xã hội trong quá trình thực hiện theo quy định của Ngân hàng thế giới.