Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, từ 1-7, Văn phòng Chính phủ sẽ công bố dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG), giới thiệu về các dịch vụ công và lợi ích mang lại cho người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, sáu dịch vụ công chuẩn bị được tích hợp trên Cổng DVCQG bao gồm: Chứng thực bản sao từ bản chính; đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế; cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4; nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc); nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông.
Trước đó, vào tháng 3-2020, tại năm địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận) đã thí điểm về dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng DVCQG. Tuy nhiên, qua triển khai trong thực tế, nhiều người dân chưa “mặn mà” nộp phạt trực tuyến khi vi phạm giao thông.
Ghi nhận thực tế tại Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 1 (Phòng CSGT Hà Nội), một trong những đơn vị tích cực trong việc thực hiện chủ trương cải cách hành chính, từ ngày 12-3 đến nay, đơn vị đã chia sẻ thông tin về gần 500 trường hợp vi phạm giao thông lên Cổng DVCQG.
Theo Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng CSGT số 1, Phòng CSGT Hà Nội, mặc dù khi xử phạt, các cán bộ, chiến sĩ của Đội CSGT số 1 trong quá trình xử phạt vi phạm giao thông đều tuyên truyền, hướng dẫn người dân thông qua Cổng DVCQG để tiến hành nộp phạt các lỗi vi phạm, tiết kiệm thời gian đi lại nhưng chưa nhiều người thực hiện theo cách này. “Thực tế, trong gần 500 trường hợp, mới chỉ có một trường hợp quê ở Thanh Hóa, vi phạm lỗi vượt đèn đỏ thực hiện việc nộp phạt trực tuyến”, Đội trưởng Đội CSGT số 1 cho biết.
Cũng theo Đội trưởng CSGT số 1, qua thời gian thí điểm, có thể rút ra được một số nguyên nhân khiến người dân chưa “mặn mà”, bởi người vi phạm giao thông đều đã có tuổi, ngại sử dụng công nghệ thông tin. Hơn nữa, một số người sinh sống quanh địa bàn Hà Nội vẫn có thói quen đến tận trụ sở của Đội giao thông hoặc ra kho bạc để giải quyết vi phạm và nộp phạt.
Trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh việc nộp phạt trực tuyến, Đội CSGT 1 sẽ tham mưu lên lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội để nâng cao phương pháp tuyên truyền. Theo đó, ngoài tuyên truyền bằng miệng như hiện tại, có thể phát tờ rơi hướng dẫn người dân cách thức để thực hiện việc nộp phạt trực tuyến như: Cách truy cập vào Cổng DVCQG; cách đăng nhập tài khoản; cách nộp tiền phạt online...