Chiều 11/1, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về chủ trương đầu tư Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và Hội trường về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 (Dự án), tổng hợp có 226 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 21 ý kiến phát biểu tại Hội trường.
Trên cơ sở Báo cáo số 13/BC-CP ngày 9/1/2022 của Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, làm rõ thêm các ý kiến: về sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án; về nguồn vốn; về cơ chế, chính sách đặc thù triển khai đầu tư Dự án; và một số vấn đề khác.
Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng phần mềm cài đặt trên iPad của các đại biểu Quốc hội. Kết quả biểu quyết có 469/474 đại biểu tán thành (chiếm 93,99% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.
Về phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư của Dự án, Nghị quyết của Quốc hội xác định đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công (quy mô đầu tư của từng dự án thành phần chi tiết tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết).
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng (một trăm bốn mươi sáu nghìn chín trăm chín mươi tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 2021-2025 bố trí 119.666 tỷ đồng cân đối điều hòa từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Giai đoạn 2026-2030 bố trí 27.324 tỷ đồng.
Về tiến độ thực hiện, Quốc hội xác định cơ bản hoàn thành Dự án năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Mục tiêu của Dự án nhằm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm.
Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.
Quốc hội giao Chính phủ triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về hình thức thu phí tự động không dừng; xây dựng phương án, tổ chức thực hiện thu hồi vốn đầu tư Dự án để hoàn trả vào ngân sách trung ương.
Hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Quốc hội ủy quyền xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết, bảo đảm đúng mục tiêu, công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách; hằng năm báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện Dự án; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai Dự án.
Bên cạnh đó, Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.