EU đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua việc loại bỏ hơn 3 tỷ tấn CO2 tương đương mà các quốc gia thành viên hiện đang thải ra hằng năm.
Việc thu giữ 5 triệu tấn sẽ là một phần rất nhỏ trong tổng lượng phát thải của EU, nhưng mục tiêu này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc phát triển công nghệ ở châu Âu nhằm thu giữ CO2 và đưa nó vào các địa điểm lưu trữ lâu dài.
Cùng với đó, Brussels cũng muốn khuyến khích nông dân và chủ đất lưu giữ nhiều CO2 hơn trong cây cối, đất và các vùng đầm lầy.
“Việc phát triển và triển khai các giải pháp loại bỏ carbon trên quy mô lớn là không thể thiếu đối với mục tiêu trung hòa carbon, và cần có sự hỗ trợ đáng kể trong thập kỷ tới”, dự thảo tài liệu mà Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố vào ngày 14/12, cho biết.
Cũng theo dự thảo, EC sẽ đề xuất một hệ thống chứng nhận loại bỏ carbon của EU trong năm tới, bằng cách đo lường và xác minh việc loại bỏ CO2 từ các diện tích đất riêng lẻ.
Điều này sẽ cho phép người nông dân và chủ đất tăng cường các biện pháp lưu giữ CO2 để thu về các tín chỉ carbon được EU công nhận. Họ có thể bán các tín chỉ carbon cho những đơn vị gây ô nhiễm đang cần cân bằng lượng khí thải của họ, từ đó tạo ra động lực tài chính thúc đẩy lưu trữ CO2.
Hệ thống này cũng có thể mở đường cho một thị trường loại bỏ carbon do EU quản lý - một lựa chọn có thể xảy ra sau năm 2030, dự thảo cho hay.
Trong bức thư gửi đến Ủy ban châu Âu, các tổ chức phi chính phủ gồm Greenpeace (Hòa bình Xanh) và Carbon Market Watch (Giám sát Thị trường carbon) đã hoan nghênh đề xuất của dự thảo nhằm xác minh việc loại bỏ CO2. Tuy nhiên, nhóm này phản đối đề xuất đưa việc loại bỏ CO2 vào thị trường carbon hiện tại của EU.
Cùng với đề xuất loại bỏ carbon, Brussels trong tháng này sẽ công bố luật mới buộc các công ty dầu khí cắt giảm lượng khí thải methane, kèm theo đó là các quy tắc thị trường khí đốt mới của EU. Tất cả đều nhằm mục đích giúp EU cắt giảm ít nhất 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030 so mức năm 1990, tiến tới mức 0 vào năm 2050.