ESCAP sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

NDO -

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành ESCAP khẳng định, sẵn sàng tăng cường hợp tác hỗ trợ Việt Nam về các lĩnh vực bảo trợ xã hội, thống kê, thương mại điện tử, cũng như xây dựng Báo cáo quốc gia tự nguyện về tình hình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững ở cấp quốc gia và địa phương.

Cuộc hội đàm diễn ra theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam)
Cuộc hội đàm diễn ra theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam)

Chiều 13/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội đàm trực tuyến với bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP).

Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác tốt đẹp với ESCAP và đánh giá cao vai trò của ESCAP được Liên hợp quốc giao phó là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bao trùm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng đề cao các báo cáo nghiên cứu, khuyến nghị chính sách chất lượng cao của ESCAP cho các nước trong khu vực, cũng như các dự án hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh việc Khóa họp lần thứ 77 diễn ra vào tháng 4/2021 của ESCAP đã thông qua Nghị quyết về chủ đề “Xây dựng lại tốt hơn”, trong đó nhấn mạnh cần tăng cường chủ nghĩa đa phương, hợp tác trong và ngoài khu vực nhằm hỗ trợ các nước trong khu vực phục hồi sau đại dịch Covid-19, ưu tiên các lĩnh vực cải thiện hệ thống y tế và an sinh xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế số.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với ESCAP để thực hiện Nghị quyết này.

Bộ trưởng đề nghị ESCAP tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, đặc biệt thông qua nghiên cứu đánh giá và khuyến nghị về các biện pháp ứng phó của khu vực đối với việc đứt gãy chuỗi cung ứng và khắc phục hậu quả kinh tế - xã hội của đại dịch, phục hồi xanh và bền vững. 

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề xuất Văn phòng tiểu khu vực Đông Nam Á của ESCAP tập trung giúp khu vực Mê Công thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường kết nối, cải thiện quản lý nguồn nước và ứng phó với thiên tai.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, năm 2022 đánh dấu 75 năm thành lập ESCAP thành lập và trùng với dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam tham gia Liên hợp quốc.

Đây là dịp tốt để Việt Nam và ESCAP cùng nhau triển khai nhiều sáng kiến nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai bên và tăng cường sự tham gia, đóng góp của Việt Nam tại ESCAP, phù hợp với chủ trương của Việt Nam về nâng tầm và đẩy mạnh đối ngoại đa phương.

Về phần mình, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành ESCAP đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong những năm qua.

Bà Armida Salsiah Alisjahbana đề cao việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đảm nhiệm rất tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Bà Armida Salsiah Alisjahbana khẳng định coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam, đánh giá cao sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành Việt Nam tại ESCAP, qua đó đóng góp thiết thực vào các nỗ lực thúc đẩy hợp tác khu vực và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành ESCAP chia sẻ về các ưu tiên về các hoạt động của ESCAP, khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác hỗ trợ Việt Nam về các lĩnh vực bảo trợ xã hội, thống kê, thương mại điện tử, cũng như xây dựng Báo cáo quốc gia tự nguyện về tình hình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững ở cấp quốc gia và địa phương. 

Bà nhấn mạnh ESCAP sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, bền vững và bao trùm hơn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Thành lập từ năm 1947, ESCAP là một trong 5 ủy ban khu vực trực thuộc Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), được ECOSOC trao trọng trách như một “Trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và có những chức năng và nhiệm vụ sau:

(i) thúc đẩy sự hợp tác phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước trong và ngoài khu vực;

(ii) nghiên cứu và phổ biến thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội, kỹ thuật và phát triển ở các nước trong khu vực;

(iii) hỗ trợ kỹ thuật cho các nước trong khu vực giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và có trách nhiệm phối hợp chung các hoạt động của các cơ quan Liên hợp quốc tại khu vực. Hiện ESCAP được giao tập trung thúc đẩy và hỗ trợ các nước thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Hằng năm, ESCAP tổ chức Diễn đàn về Phát triển bền vững khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực về thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện ESCAP có 53 thành viên chính thức và 9 thành viên liên kết.