Đã hơn một tháng kể từ khi được tin lên đường “ra trận” gấp, một cảm xúc rất lạ với vô số suy nghĩ cho “cuộc chiến”. Hiện giờ, tôi ăn sáng vội bằng bữa ăn từ các bếp ăn tràn đầy tình nghĩa từ bên ngoài gửi vào khu cách ly. Tôi biết, người dân thương yêu và lo lắng rất nhiều cho chúng tôi, những người mặc áo blouse trắng.
Tại Bệnh viện dã chiến số 6, với vai trò nhóm trưởng, một thành viên của Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh chi viện cho tiền tuyến, đêm qua, tôi không thể nào ngủ được vì chồng chất những nỗi lo: Lo cho đồng đội được an toàn, lo tổ chức công việc hợp lý, lo gia đình biết đang đi công tác “đặc biệt”. Hôm qua, tôi đã nói dối người thân về công việc mình.
Nơi tôi công tác, từ một Bệnh viện dã chiến tầng 1, đã nâng lên tầng 3. Dự định ban đầu chỉ là nơi thu dung cách ly F0 nhưng giờ buộc phải trở thành bệnh viện có cả khu cấp cứu và hồi sức thật sự với quy mô “khủng”. Vô số những cung bậc cảm xúc vào những ca trực trắng đêm khi đồng nghiệp liên tục báo ca nặng cần chuyển… tầng cao hơn, tức là người bệnh đang nặng hơn. Chỉ cầu mong họ được bình an.
Trực tiếp chăm sóc và điều trị cho người mắc Covid-19, có lẽ không thể nào kể hết những vất vả, những thử thách mà chúng tôi đã phải vượt qua. Trước những rủi ro nghề nghiệp cùng khối lượng công việc lớn, dưới áp lực chạy đua với thời gian để tiếp nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày… thế nhưng, vượt lên trên tất cả, bằng sức mạnh của một tập thể luôn đoàn kết và vững mạnh từ hậu phương ra tiền tuyến, các "chiến sĩ áo trắng" luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu không hoàn thành, hậu quả là không thể khắc phục: Sinh mạng con người!
Tôi và em cùng làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã lâu. Tôi và em gặp nhau tại phòng mổ rất nhiều lần. Tôi và em cùng sống tại một chung cư cũng gần ba năm rồi, nhưng gần như chưa từng nói chuyện với nhau. Khi nhận được danh sách tham gia công tác tại Bệnh viện dã chiến số 6, tôi thấy tên em, người sống cùng chung cư với tôi, tôi mừng lắm. Tôi đã gọi cho em và nhờ em hỗ trợ tôi với vai trò “Phó nhóm trưởng” phụ trách chuyên môn.
Khi đến “tiền tuyến” Bệnh viện số 6, tôi và em là những đàn anh lớn và “có chức” trong nhóm nên đã “đặc cách” nhường những chỗ ngủ tốt hơn cho đàn em. Tôi và em ngủ trên hai chiếc ghế xếp được đặt ở phòng khách gần lối ra vào, em vẫn vui vẻ chấp nhận. Trong ăn uống, em càng làm tôi bất ngờ hơn khi em chưa bao giờ bỏ thừa đồ ăn dù đôi lúc tôi khuyên khi thấy những đồ ăn không còn bảo đảm. Em cười và nói: “Không sao đâu anh, em dễ ăn lắm, bỏ đồ ăn uổng và tội lắm”.
Tin cậy, thương quý, tôi đã mạnh dạn đề cử em làm “Trưởng khoa lâm sàng 2”, vì tôi nhận ra ở em tư duy tổ chức. Đúng vậy, em đã không làm tôi thất vọng với vai trò này. Em đã tổ chức tốt mọi việc, từ nhập viện, điều trị, xét nghiệm và ra viện cho người F0… để các đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ. Em cũng “mát tay” đào tạo các bạn trẻ là những bác sĩ tình nguyện đến từ Bệnh viên Y học Cổ truyền và sinh viên y khoa tình nguyện. Sau hai tuần làm việc thì các bạn trẻ này đã thành thạo công việc nơi tuyến đầu không kém gì so các đàn anh dày dạn kinh nghiệm.
Em cũng chính là người nắm vững quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo đảm an toàn cao nhất cho đồng đội làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ lây nhiễm. Những hôm thang máy bị hỏng, hay hoạt động không theo quy trình, chính em là người đứng ra giải quyết để mọi hoạt động của toàn khu A2 và A3 (với hơn 2.000 người bệnh do nhóm từ Bệnh viện phụ trách) được diễn ra thuận lợi.
Sau giờ làm việc, đêm đêm, hai anh em thường đi dạo trong khuôn viên bệnh viện, dưới ánh đèn sáng đầy niềm tin và hy vọng từ các buồng bệnh hắt lên. Chúng tôi tâm sự về những trăn trở trong công việc và cùng tìm ra hướng giải quyết tốt nhất để công tác điều trị đạt hiệu quả cao nhất và an toàn cho nhân viên y tế nhằm giảm thiểu tối đa việc mất lực lượng. Hằng đêm, tôi cũng được vui lây khi nghe em gọi điện về nhà tâm sự với vợ con, nghe hai nhóc của em cứ tíu tít vui đùa với em rất hạnh phúc. Em từng nói với tôi, khi hoàn thành công tác em sẽ về nhà và ăn những món em thích, nào là bún bò, nào là bò kho… và em khoe bà xã của em nấu rất ngon.
Thế nhưng, vào những ngày cuối cùng, mọi người đang háo hức được về khi kết thúc thời gian công tác thì em lại nói: “Em sẽ ở lại”. Tôi rất bất ngờ và hỏi: “Sao vậy em?”. Em nói: “Em ở lại để chăm sóc những đồng nghiệp không may bị mắc Covid-19 trong quá trình công tác”. Tự đáy lòng, tôi cảm phục em vô cùng, cảm phục một tấm lòng hy sinh vì đồng nghiệp ở nơi “tiền tuyến”. Em đã gạt qua niềm hạnh phúc của bản thân để đồng đội của mình được an tâm đều trị và sớm trở về cuộc sống bình thường…
Hôm nay, khi những đồng nghiệp cùng “chiến đấu” với em nhiều tuần qua, người thì về nhà cách ly, người đã ra khách sạn cách ly, thì chỉ còn em trong căn phòng đó. Dòng tin sét đánh: Em dương tính. Nghe qua, lòng tôi như thắt lại. Đêm qua, em nói em không khỏe và nghĩ “mình bị mất ngủ đêm trước”. Sáng nay, điều đầu tiên khi thức dậy là tôi hỏi: “Em khỏe chưa?”, em vui vẻ nói: “Ngủ một đêm là em khỏe rồi”.
Khi tôi hỏi: “Em ổn không?”, em vẫn với giọng nói vui vẻ như ngày thường trả lời: “Em ổn mà”. Tôi khuyên em: “Em giữ gìn sức khỏe nhé. Nghỉ ngơi đi. Đừng làm gì nữa nha”. Em lại cười xòa: “Dạ, em cảm ơn anh”. Dù nghe giọng em rất lạc quan nhưng tôi thật sự đau xót và muốn viết ra những dòng này như một sự tri ân về em, một bác sĩ mà tôi thật sự ngưỡng mộ cả về chuyên môn lẫn đức độ. Tôi cầu mong em bình an, mau phục hồi sức khỏe và sớm trở về với gia đình thân yêu của em!
Em là ThS, BS Nguyễn Văn Thành, bác sĩ khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh chi viện cho Bệnh viện dã số 6. “Em phải khỏe nhé để trở về với đồng đội”.