Duy trì môi trường cạnh tranh khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện 1.015 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. (Ảnh ĐĂNG KHOA)
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. (Ảnh ĐĂNG KHOA)

Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Đồng thuận áp thuế tối thiểu

Theo nguyên tắc áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD/G20 công bố, các nước đang phát triển tham gia Diễn đàn hợp tác thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (IF) không bắt buộc phải áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu. Nhưng nếu lựa chọn áp dụng các quy định này thì các nước sẽ phải thực hiện thống nhất theo quy định của thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với quy định mẫu và hướng dẫn chung của IF.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong trường hợp một nước không áp dụng thì vẫn phải công nhận các quy định thuế tối thiểu toàn cầu được các thành viên IF khác áp dụng.

Đến nay, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản... đã lên kế hoạch bổ sung, sửa đổi luật trong năm 2023 để thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Đây là các quốc gia và vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, và có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Nếu các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã đầu tư tại Việt Nam tiếp tục được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành thì các nước có công ty mẹ sẽ thu thêm phần thuế thu nhập doanh nghiệp chênh lệch từ mức thuế thực tế đang nộp so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%) - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Nếu các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã đầu tư tại Việt Nam tiếp tục được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành thì các nước có công ty mẹ sẽ thu thêm phần thuế thu nhập doanh nghiệp chênh lệch từ mức thuế thực tế đang nộp so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%).

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt nhằm khẩn trương nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp ứng phó cho Việt Nam.

Bộ Tài chính cho biết, do thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề mới, quan trọng và có nhiều yếu tố kỹ thuật, vì vậy Việt Nam cần tập trung làm rõ các nội dung trọng tâm như:

Các nội dung chính của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu; tình hình chuẩn bị, triển khai áp dụng Trụ cột 2 (mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế thu nhập) ở các quốc gia nguồn cũng như các quốc gia tiếp nhận đầu tư, nhất là những quốc gia có hoàn cảnh, điều kiện tương tự như Việt Nam; đánh giá đầy đủ, toàn diện các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam, trong đó tập trung đánh giá tác động đến ngân sách nhà nước, nhà đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam...

Từ đó, có những giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Bảo đảm quyền thu thuế quốc gia

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Đặng Ngọc Minh, đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu là những tập đoàn, công ty đa quốc gia (MNE) đáp ứng ngưỡng doanh thu hợp nhất đạt tối thiểu 750 triệu EUR căn cứ theo báo cáo tài chính của tập đoàn theo từng quốc gia ít nhất hai năm trong bốn năm liền kề trước năm xem xét.

Đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu là những tập đoàn, công ty đa quốc gia (MNE) đáp ứng ngưỡng doanh thu hợp nhất đạt tối thiểu 750 triệu EUR căn cứ theo báo cáo tài chính của tập đoàn theo từng quốc gia ít nhất hai năm trong bốn năm liền kề trước năm xem xét.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Đặng Ngọc Minh

Tuy nhiên, cũng có nhiều đối tượng sẽ không phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, bao gồm: Các tổ chức của chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận, quỹ hưu trí hoặc quỹ đầu tư mà công ty mẹ tối cao của tập đoàn, công ty đa quốc gia đầu tư hoặc bất kỳ hình thức quỹ đầu tư nào của các công ty, tổ chức; Công ty thành viên hoặc các Công ty thành viên tại Việt Nam trong cùng một Tập đoàn có tổng doanh thu trung bình tại Việt Nam thấp hơn 10 triệu EUR và có tổng thu nhập trung bình hoặc lỗ tại Việt Nam thấp hơn 1 triệu EUR; thu nhập từ vận tải quốc tế (bao gồm cả vận tải hàng hóa và vận tải hành khách) nếu đáp ứng điều kiện loại trừ của tập đoàn, công ty đa quốc gia…

Trong các nội hàm của thuế tối thiểu toàn cầu, đáng lưu ý là việc quy định quốc gia có công ty mẹ tối cao đặt trụ sở chính được đánh thuế công ty mẹ tối cao đối với thu nhập của công ty con ở các quốc gia khác đang chịu thuế thực tế ở dưới mức thuế tối thiểu 15% với mức thuế tính cho công ty con hoặc nhóm các công ty con hoạt động tại một quốc gia nhận đầu tư gộp lại (sau khi bù trừ lãi, lỗ giữa các công ty) và được điều chỉnh theo quy định.

Bên cạnh đó, quy chế thuế tối thiểu toàn cầu cho phép quốc gia nơi phát sinh thu nhập (lãi tiền vay, tiền bản quyền và một số khoản thanh toán khác) được quyền đánh thuế ở mức thuế suất tối thiểu 9% đối với các khoản thanh toán thu nhập nêu trên cho bên liên kết chịu thuế ở dưới mức thuế suất tối thiểu 9% này.

Để thực hiện quyền này, các nước phải tham gia ký hiệp định đa phương sửa đổi quy định tại các hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa các nước.

Ngoài ra, các nước có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thấp hơn 15% được quyền ban hành quy định để thu thuế bổ sung, và các nước nhận đầu tư được quyền ưu tiên thu thuế trước khi nước đầu tư áp dụng thuế tối thiểu 15%.

Theo đó, các nước thuộc đối tượng này sẽ xác định các khoản thu nhập chịu thuế tối thiểu của các công ty thành viên tại một nước cụ thể (gọi là thu nhập chịu thuế tối thiểu nội địa) theo cách tính tương đương với quy định thuế tối thiểu toàn cầu.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh phân tích thêm: Quy định này nhằm tăng nghĩa vụ thuế nội địa, được thực hiện và quản lý sao cho tương ứng với quy định của thuế tối thiểu toàn cầu. Đáng lưu ý, điều kiện tiên quyết để thực hiện là nước đó không quy định cho các công ty được hưởng bất kỳ lợi ích nào liên quan trực tiếp đến các quy định về thuế thu nhập bổ sung.