Diễn đàn chủ nhật

Đừng lợi dụng tình thương của công chúng

Trong những sân chơi nghệ thuật gần đây, khi các chương trình truyền hình thực tế nở rộ với sự phân định thắng thua chủ yếu dựa vào số lượng tin nhắn bình chọn, đã và đang xuất hiện trào lưu cố tình khai thác những chi tiết đời tư để "mua" nước mắt và sự ủng hộ từ công chúng. Cũng vì lẽ đó, người thắng cuộc chưa hẳn có năng lực và khả năng nghệ thuật thật sự. Đáng buồn thay, sự "cố tình" này không chỉ đến từ người chơi mà còn được tạo ra từ phía nhà sản xuất.

Tiêu biểu cho trào lưu trên phải kể đến trường hợp của Anh Thúy, cựu thành viên nhóm nhạc Mây trắng. Rũ bỏ hình ảnh của một cô ca sĩ xinh đẹp, Anh Thúy đã xuất hiện trong số đầu tiên chương trình "X-factor - Nhân tố bí ẩn" (vừa lên sóng VTV3 tối 30-3) bằng thân phận giả tạo với cái tên Huyền Minh, một nữ nhân viên "bồi bàn" nghèo khó bị mặc cảm với những vết sẹo dài trên mặt. Số phận đáng thương của một cô gái nghèo và quyết tâm rũ bỏ những tự ti, sợ sệt để chinh phục ước mơ theo đuổi âm nhạc đã khiến không ít khán giả thương cảm, dành cho cô nhiều ưu ái kèm theo các tin nhắn bình chọn. Tuy nhiên, cái mà họ nhận được là sự thất vọng và cảm giác bị xúc phạm về tình cảm khi cô gái nghèo Huyền Minh bị phát hiện chính là Anh Thúy. Mặc dù Anh Thúy đã buộc phải xin lỗi khán giả, rút khỏi cuộc chơi, song nhìn những cảnh quay có dụng ý từ hậu trường, cộng thêm câu trả lời ám chỉ được sắp xếp diễn theo kịch bản của Anh Thúy, không ít người đã đặt ra nghi vấn, liệu sự lừa dối này chỉ là dụng ý của riêng cô, hay còn có bàn tay "nhào nặn" từ phía Ban tổ chức? Chưa thể tìm ra câu trả lời chính xác, chỉ biết rằng với xì-căng-đan này, tên tuổi của một cô ca sĩ bấy lâu nay chẳng mấy gây chú ý bỗng chốc nổi như cồn, chương trình X-factor thì "hot" ngay từ ngày đầu lên sóng, riêng người xem có vẻ bị biến thành những "quân cờ" trong trò chơi mang tên truyền hình thực tế.

Lợi dụng tình thương của khán giả để nhanh chóng bứt phá, xu hướng này đã xuất hiện từ nhiều phiên bản giải trí khác ở các nước, nhưng khi du nhập về Việt Nam đã có nhiều mầu sắc khác. Trong làng giải trí Việt, ngoài Anh Thúy, không có nhiều trường hợp dám cả gan tự tạo thân phận mới để tham gia các cuộc thi nghệ thuật, nhưng với cách dàn dựng có chủ ý, với mục đích thu hút đông đảo người xem vì lợi nhuận từ bình chọn và quảng cáo, Ban tổ chức vẫn có những "chiêu" để huy động triệt để tình thương của công chúng. Và tất nhiên, khi có yếu tố "tình thương" tham gia cũng là lúc tính công bằng trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng nghệ thuật bị phá vỡ. Thử hỏi, nếu thân phận của một anh chàng chăn lợn người dân tộc không được khai thác thì liệu với giọng hát yếu ớt, kỹ thuật chuyên môn kém, Yasuy có giành được nhiều bình chọn từ khán giả đến thế để vượt qua những giọng ca "khủng" như Hoàng Quyên, Bảo Trâm, trở thành Idol Việt Nam? Tương tự là trường hợp của Quang Anh, quán quân Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên. Tất nhiên, khả năng ca hát và triển vọng phát triển của ca sĩ nhí này là điều hoàn toàn đã được khẳng định, nhưng chắc chắn trong nhiều tin nhắn bình chọn chỉ có trong đó tình thương dành cho một cậu bé chăm chỉ, ngoan ngoãn, đang phải đối mặt với căn bệnh viêm màng não và trưởng thành trong vòng tay của người mẹ quét rác lam lũ. Những thông tin cá nhân "đánh" vào tình cảm người bình chọn trong cuộc thi đã được Ban tổ chức khai thác rất kỹ. Trong một số cuộc thi khác, đặc biệt là các cuộc thi hát, thi vũ đạo, cũng không hiếm trường hợp những thí sinh là người khuyết tật hoặc trẻ em luôn nhận được sự ưu ái hơn từ phía giám khảo và công chúng, mặc dù xét về chất lượng chuyên môn, họ thua xa nhiều nhóm, cá nhân khác. Vô hình trung, yếu tố tình thương chen vào các cuộc thi đã khiến phần tài năng bị lấn át và nhiều tài năng nghệ thuật bị lỡ nhịp.

Thiết nghĩ, đã là một cuộc thi, một sân chơi nghệ thuật mang tính công bằng thì sản phẩm đưa ra phải thuần túy là nghệ thuật. Mọi sự dàn dựng, trưng ra những yếu tố "ngoài nghệ thuật" để phản ánh đều là tác nhân gây ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng. Nếu Ban tổ chức các cuộc thi nghệ thuật dưới hình thức truyền hình thực tế nhất quyết không khai thác những yếu tố đời tư của thí sinh thì chắc chắn cũng sẽ không có trường hợp các cá nhân phải tự bịa ra thân phận tội nghiệp để lợi dụng lòng thương của công chúng. Có lẽ, đây là điều không khó để nhận ra nhưng Ban tổ chức các chương trình truyền hình thực tế vẫn cố tình khai thác như một chiêu trò để thu hút người xem và họ bị dẫn dắt, chi phối cảm xúc theo dụng ý của những người dàn dựng chương trình. Vì thế, để thoát ra khỏi mớ bòng bong đầy toan tính của trò chơi truyền hình thực tế, những khán giả thông minh hãy tỉnh táo trong nhìn nhận và phán xét, bởi chỉ cần lơ là một chút thì vào lúc bạn cho đi những giọt nước mắt thương cảm, rất có thể cũng là lúc cảm xúc của bạn bị biến thành "mồi ngon" cho những mục đích lợi nhuận của nhà sản xuất.