Nhưng để thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị đã đề ra, du lịch nước ta cần nỗ lực vượt qua nhiều rào cản, thách thức.
Năm 2024, du lịch đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam khi “thu hoạch” được thành quả ấn tượng, tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023, với khoảng 17,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 38,9%), 110 triệu lượt khách nội địa (tăng 1,6%), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 840.000 tỷ đồng (tăng 23,8%). Đáng chú ý, Việt Nam tiếp tục được Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”.
Dấu ấn nổi bật của ngành “công nghiệp không khói” Việt Nam trong phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh đất nước năm qua là tín hiệu vui thắp lên nhiều hy vọng cho sự bứt phá mạnh mẽ của du lịch thời gian tới. Tuy nhiên, dù chúng ta đã “chạy” nhanh hơn, song chưa thể nhanh bằng một số quốc gia khác trong khu vực, nhất là khi so sánh với Singapore hay Thái Lan.
Phó Cục trưởng Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy cho rằng: Yếu tố quan trọng để du lịch phát triển là cần có sự đột phá ưu tiên về quy trình, thủ tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, các quy trình, thủ tục cũng như cơ chế, chính sách liên quan phát triển du lịch còn nhiều bước, nhiều khâu, thời gian kéo dài. Công tác quản lý nhà nước cũng chưa theo kịp thực tiễn, nhất là với các loại hình du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch nông nghiệp-nông thôn…
Bên cạnh đó, sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng còn chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ. Nhiều địa phương có tiềm năng du lịch vẫn thiếu định hướng phát triển rõ ràng, trong khi một số địa phương không nhiều dư địa lại xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí. Chưa kể, hệ thống sản phẩm du lịch nước ta còn trùng lắp, chất lượng dịch vụ chưa cao; nguồn lực đầu tư cho du lịch còn thấp so với yêu cầu phát triển; kinh phí dành cho xúc tiến, quảng bá còn eo hẹp… cho nên chưa thể tạo ra năng lực cạnh tranh cao.
Ngoài ra, môi trường hoạt động du lịch tại Việt Nam cũng còn nhiều “sạn”: không ít điểm du lịch còn khai thác tự phát, thiếu quy hoạch đầu tư hợp lý, thiếu sự quản lý; cùng với đó là sự xuất hiện của những tour 0 đồng, hướng dẫn viên trái phép… ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh điểm đến Việt Nam.
Theo thông tin từ Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Liêm, năm 2024, thanh tra Bộ triển khai 20 đoàn thanh tra đến các cơ sở; và riêng 14 Sở Du lịch đã thanh, kiểm tra, xử lý 404 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 2,5 tỷ đồng. Điều này cho thấy tình trạng không tuân thủ pháp luật trong du lịch còn khá phổ biến. Đây chính là những “điểm nghẽn” cần được nhanh chóng khơi thông.
Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel cho rằng, sau đại dịch Covid-19, thế giới đã thành “một thế giới khác”. Cạnh tranh giữa các nước hiện nay không chỉ là về xúc tiến, truyền thông quảng bá, mà còn về chính sách, thế mạnh quốc gia. Đã đến lúc, Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh chính sách để tạo bệ phóng cho nền kinh tế phát triển.
Cần xem lại những bất cập của Luật Du lịch để sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Trước thực trạng chỉ có 45% lực lượng lao động trực tiếp được đào tạo chuyên ngành về du lịch, còn 35% được đào tạo chuyên ngành khác và 20% chưa qua đào tạo, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh phải đặc biệt đầu tư cho khâu phát triển nguồn nhân lực, nếu không muốn du lịch Việt Nam bị “hụt hơi” khi cạnh tranh với các nước khác.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương nhận định: Cần tạo môi trường pháp lý thông thoáng để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chủ động phát huy vai trò động lực thúc đẩy du lịch; đồng thời nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách để hình thành các doanh nghiệp lớn, được bảo đảm khả năng tiếp cận về vốn, khoa học công nghệ. Cần khẩn trương chuyển đổi số trong du lịch, đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng như tiếp tục có những cải thiện về chính sách thị thực để hút khách quốc tế đến Việt Nam…
Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13/6/2024, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trực tiếp 8-9% trong GDP. Để hiện thực hóa mục tiêu này, đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, Cục trưởng Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, cần tập trung triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể.
Phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng; có chính sách ưu tiên cho phát triển hạ tầng du lịch để có những khu du lịch quy mô, đẳng cấp, đủ năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác; triển khai mạnh mẽ hơn công tác xúc tiến, quảng bá, kết hợp cả phương thức truyền thống và trên nền tảng số; sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đầu tư, đầu tư công…
Làm tốt công tác này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tạo ra những sản phẩm du lịch có thế mạnh, khẳng định năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.